Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kiểm tra thực tế tại một số Điểm thi trên địa bàn thành phố Hà Nội và làm việc với Ban Chỉ đạo thi thành phố, trực tuyến tới điểm cầu Ban chỉ đạo thi 30 quận, huyện.
Nhấn mạnh đòi hỏi về một kỳ thi thực sự nghiêm túc, công bằng, khách quan và đảm bảo tối đa quyền lợi thí sinh, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá, công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn Hà Nội diễn ra chuyên nghiệp, chủ động, bài bản, khoa học, đáp ứng yêu cầu.
Qua thực tế kiểm tra, hai điểm thi Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên và Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) chuẩn bị chu đáo, chuyên nghiệp, ứng dụng rất tốt công nghệ. Thứ trưởng cũng bày tỏ niềm tin, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sắc, kỹ càng…, kỳ thi sẽ diễn ra thuận lợi, đạt kết quả như mong muốn.
"Công tác chuẩn bị, hỗ trợ, phối hợp tốt rồi. Giờ là hành động". Khẳng định điều này, Thứ trưởng nêu thực tế hàng năm vẫn có một số lượng thí sinh bị đình chỉ thi vì vi phạm quy chế mang điện thoại vào phòng thi. Để hạn chế việc này, năm nay, Bộ đã ban hành công văn 552 ngày 5/5/2021 lưu ý trước khi phát đề thi, cán bộ coi thi số 2 nhắc lại lần nữa, còn thí sinh nào mang điện thoại vào phòng thi không.
"Năm trước còn 38 trường hợp, năm trước nữa là 72 trường hợp. Việc mang điện thoại vào phòng thi đã giảm. Tuy nhiên, cần hướng đến một kỳ thi thành công, không có giáo viên, học sinh nào vi phạm quy chế.", Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu, tuyệt đối không được để ảnh hưởng đến thời gian làm bài của thí sinh, cố gắng không có điểm thi nào phải sử dụng đề thi dự bị, giáo viên vi phạm quy chế; đảm bảo một kỳ thi nghiêm túc, chặt chẽ và nhân văn.
Do là địa phương có số lượng thí sinh lớn nhất cả nước nên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc chuẩn bị của Hà Nội phải làm kỹ lưỡng, bài bản, trách nhiệm, phải có "nhận thức đúng, quyết tâm cao, phương thức phù hợp", cần chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất, dự báo những tình huống có thể xảy ra.
Hà Nội cũng cần phân loại những đối tượng F0, F1, F2, đối tượng đang trong khu cách ly rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Nếu sơ suất có 1 em thí sinh có yếu tố dịch tễ tham gia vào kỳ thi để lây lan dịch bệnh thì hậu quả sẽ rất nặng nề.
Ngoài việc tăng cường tập huấn cho tất cả các cán bộ giáo viên nhân viên tham gia làm thi, đảm bảo đáp ứng tất cả đều nắm vững quy chế thi, nhất là những điểm mới, Hà Nội cũng cần bố trí lực lượng cán bộ, giáo viên dôi dư, dự phòng và tập huấn kỹ càng, để thay thế khi cần thiết.
Tiếp thu các ý kiến tại cuộc làm việc, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo thi cho biết, việc tổ chức kỳ thi vào lớp 10 thành công giúp cho Ban Chỉ đạo thi thành phố và các địa phương có thêm kinh nghiệm trong tổ chức kỳ thi này, nhưng với tính chất quan trọng và quy mô lớn đòi hỏi công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tuyệt đối không được chủ quan.
Ông Chử Xuân Dũng đề nghị Ban Chỉ đạo thi các địa phương tiếp tục rà soát các điều kiện tổ chức kỳ thi; quan tâm đến công tác tập huấn, tăng cường trách nhiệm và kỹ năng trong khâu coi thi; đồng thời yêu cầu ngày 3/7, Ban Chỉ đạo thi các địa phương phải tổ chức họp với tất cả các điểm trưởng, thống nhất phương án tổ chức diễn tập phòng, chống dịch và xử lý các tình huống.