“Việc hỗ trợ chuyển trường, ngành cho những sinh viên này cũng rất khó, bởi còn liên quan đến trường chuyển đến và đi, cùng nhiều vấn đề khác về mặt thủ tục, quy trình” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ. Đây là ví dụ để thấy rằng, lựa chọn ngành đào tạo đúng ngay từ đầu quan trọng đối với thí sinh, tránh những đáng tiếc, hối hận sau này.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy tư vấn, khi chọn ngành, thí sinh phải đặt tổng hòa trong mối quan hệ với điều kiện tài chính, đặc điểm riêng của gia đình, vị trí địa lý và những điều kiện khác để đảm bảo quá trình học đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra, khi lựa chọn ngành, những lời khuyên, tư vấn của người xung quanh rất có giá trị. Việc lựa chọn đi theo ngành học giàu tiềm năng cũng là điều tốt. Nhưng chính các em phải là người hiểu bản thân mình và đưa ra quyết định.
Nhiều năm làm về công tác tuyển sinh và đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đưa ra lời khuyên, thí sinh đừng vội chọn trường mà thực hiện theo 4 bước.
Đầu tiên, hãy xem mình đam mê, yêu thích với ngành nghề nào. Bước hai, hãy nghĩ đến năng lực bản thân. Các em suy nghĩ xem có đủ khả năng để theo đuổi đam mê, đáp ứng những yêu cầu của ngành này hay không. Nếu chỉ yêu thích nhưng năng lực có hạn thì cũng không nên theo đuổi.
Bước ba, ngoài đam mê, năng lực, thí sinh cần xem xét điều kiện gia đình và vị trí địa lý phù hợp không. Bản thân các em muốn học, nhưng gia đình không đủ điều kiện để đáp ứng thì cũng khó theo đuổi. Bước thứ tư, thí sinh nên nghe tư vấn từ người thân và những người có chuyên môn trong lĩnh vực đó. Nhiều khi các em thích ngành này chỉ là “cảm tính” hoặc chạy theo số đông, nên cần tham khảo thêm ý kiến của mọi người.
Sau khi xác định được ngành nghề phù hợp theo 4 bước trên, các em mới tiến đến chọn trường có đào tạo ngành nghề mà mình yêu thích. “Nhiều thí sinh bây giờ đua nhau chọn trường trước rồi mới chọn ngành, điều này có thể dẫn đến sai lầm” - PGS.TS Phạm Văn Bổng nói.
Nhắn nhủ với phụ huynh, thí sinh; PGS.TS Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, hiện nay có nhiều kênh tư vấn, cung cấp thông tin, giúp thí sinh hiểu biết sâu hơn về ngành học. Qua đó, tạo thuận lợi cho các em trong lựa chọn ngành nghề. Tuy nhiên, thí sinh cũng cần chắt lọc, chọn kênh thông tin tin cậy; sau đó cần tự hỏi bản thân có đam mê, sở trường, ham thích hay có năng lực, tố chất về chuyên ngành đó không?
Vấn đề đặt ra là, làm thế nào để lựa chọn được kênh thông tin tin cậy? PGS.TS Đặng Thị Thu Hương nhấn mạnh: Phụ huynh, các thầy cô giáo ở bậc phổ thông, báo chí là những kênh cung cấp thông tin chính xác, trung thực nhất. Những nguồn thông tin này giúp thí sinh nhìn nhận rõ ràng hơn về bức tranh xã hội, cũng như nhu cầu phát triển, yêu cầu nguồn nhân lực. Qua tham khảo các nguồn tin, các em sẽ có những điều chỉnh phù hợp.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, điều thuận lợi cho thí sinh là Quy chế của Bộ GD&ĐT cho đăng ký nhiều nguyện vọng. Vì vậy, các em hãy chọn ngành mà mình tâm đắc, phù hợp với đam mê nhất để đưa lên nguyện vọng đầu tiên.