Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà - Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những sai lầm mà thí sinh cần lưu tâm khi chọn ngành, trường là: Chọn theo thu nhập, thị hiếu và trào lưu. Đồng quan điểm, luật sư Trịnh Hữu Chung – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định lưu ý: Thí sinh thường mắc phải sai lầm khi chọn nghề như: Coi nhẹ sự lựa chọn nghề nghiệp, chọn nghề không đúng năng lực, tính cách của bản thân, đánh giá không đúng ngành học hoặc chọn ngành học theo số đông, áp đặt của gia đình, thậm chí có em lựa chọn theo rủ rê của bạn bè…. Hậu quả của sự lựa chọn này là, chất lượng học tập sau này không cao, khi đi làm phải đào tạo lại, vừa mất thời gian lại rất tốn kém tiền bạc, công sức.
Chuẩn bị kỹ lưỡng
Từ thực tế trên, TS Bình khẳng định: Chọn ngành, chọn nghề là việc quan trọng với mỗi người, bởi nó gắn bó với chúng ta suốt cuộc đời. Rất nhiều bạn trẻ hồn nhiên và chưa ý thức được tầm quan trọng của nghề nghiệp. Khi chọn đúng, bản thân được thể hiện năng lực, phát huy khả năng, tố chất. Chọn đúng nghề giúp các em trở nên có giá trị, đóng góp công sức cho xã hội, cộng đồng. Nhưng nếu chọn sai nghề sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc và cả chất xám. “Đừng để tuổi 70 mới biết mình là ai, mình thích gì” - TS Bình dí dỏm nói.
Bà Nguyễn Việt Nga - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nexia STT - khuyến nghị: Thí sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân; không nên đăng ký nguyện vọng vì thấy tên ngành nghề hay, “hot” hợp thời thượng; đặc biệt cũng không nên chạy theo phong trào vì nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng… Trước khi đăng ký xét tuyển, cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình theo đuổi; đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người khác để có hướng đi của riêng mình.
Còn theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, thí sinh cần trả lời lần lượt các câu hỏi: Tôi thích nghề gì, phù hợp nghề gì; tôi chọn nghề gì và nên học tập ở đâu? Ngoài ra, các em nên đọc kỹ nội dung đào tạo, các môn học đào tạo, chuẩn đầu ra của các ngành nghề mà mình dự định đăng ký xét tuyển. Các em cần nghiên cứu thật kỹ và tham khảo ý kiến tư vấn của người thân, thầy cô giáo, chuyên gia để có lựa chọn phù hợp nhất.
Thí sinh cũng cần bám vào xu hướng thời cuộc như: Ngành nghề xuất hiện mới trong cuộc cách mạng 4.0, biến đổi ngành nghề trong đại dịch Covid-19… Ngoài ra, chọn nghề dựa trên yếu tố truyền thống gia đình, đặc điểm địa phương, xác định nơi làm việc sau khi tốt nghiệp là tư vấn của luật sư Trịnh Hữu Chung với sĩ tử trong mùa tuyển sinh năm nay.
“Khi còn là học sinh lớp 11, các em dần suy nghĩ, tìm hiểu ngành nghề mình muốn theo đuổi. Lên lớp 12, căn cứ kết quả học tập và điểm số của các môn học xét tuyển để có sự lựa chọn phù hợp. Mọi sự chuẩn bị kỹ lưỡng đều đem đến kết quả tốt nhất” - luật sư Trịnh Hữu Chung trao đổi.