Ngoài ra, các chỉ tiêu về chất lượng trứng, thịt của gà Hắc Phong dòng trống và dòng mái đều đạt chất lượng tốt, trong tiêu chuẩn cho phép. Nhóm đã chuyển giao gà giống xây dựng mô hình đàn gà bố mẹ và thương phẩm tại Bình Dương và Đồng Nai cho kết quả tốt, hiệu quả kinh tế cao.
Chia sẻ thêm về hiệu quả của gà Hắc Phong triển khai nuôi thử nghiệm, đại diện nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cho biết thêm, tỷ lệ nuôi sống của gà Hắc Phong tại 2 hộ thực hiện mô hình đều đạt khá cao, ở cả 2 giai đoạn và 2 thế hệ. Ở thế hệ 3, tỷ lệ nuôi sống gà nuôi của hộ 1 giai đoạn 0 - 8 tuần tuổi là 94,2%, giai đoạn 9 - 16 tuần tuổi là 97,2%.
Việc chuyển giao con giống đồng bộ cùng quy trình chăn nuôi đã được hoàn thiện từ cơ sở giống là một trong những điều kiện giúp cho đàn giống phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống đạt cao. Gà Hắc Phong từ hai dòng gà mới chọn tạo có khả năng thích nghi cao, sức sống tốt là cơ sở thuận lợi khi chuyển giao con giống ra sản xuất đại trà.
TS Hoàng Tuấn Thành khẳng định, kết quả của đề tài là cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về chọn lọc giống dựa trên nền tảng kỹ thuật di truyền phân tử kết hợp di truyền số lượng.
Đây cũng là dữ liệu cơ bản giúp các cơ sở chọn giống gia cầm định hướng nghiên cứu ứng dụng. Dữ liệu thu thập được của đề tài là nguồn thông tin có giá trị tin cậy cao và sử dụng như nguồn tài liệu tham khảo phục vụ cho công tác giảng dạy.
Từ các dòng gà được chọn tạo sẽ sản xuất được gà bố mẹ và thương phẩm có năng suất, chất lượng cao hơn, giá thành hợp lý hơn so với đàn giống cũ, tiết kiệm được chi phí. Từ đó làm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp nông thôn, tăng sản phẩm thịt chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và tăng thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần giải quyết an sinh cho xã hội.