“Chưa có trải nghiệm đứng lớp cũng là một khó khăn đối với tôi. Nhưng đổi lại, đây cũng là cơ hội để bản thân áp dụng các phương pháp dạy học mới. Môn Hóa – Sinh có những nội dung có liên quan, bổ trợ cho nhau nên dạy học tích hợp không có quá nhiều mạch kiến thức mới phải tìm hiểu” – cô Hoàn cho biết.
Ảnh minh họa/ INT |
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam - chia sẻ: “Do số lớp ít, mỗi khối chỉ có một lớp nên nhà trường bố trí 2 giáo viên đảm nhận dạy học môn Khoa học tự nhiên. Nếu để một giáo viên dạy cả 3 phân môn thì những giáo viên khác không đủ định mức tiết dạy theo quy định. Hơn nữa, với đặc thù học sinh của trường, việc dạy đơn môn sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Quy mô trường nhỏ nên việc phân chia thời khóa biểu không quá khó”.
Bài tập về nhà của bài 1 - Giới thiệu về Khoa học tự nhiên (môn Khoa học tự nhiên lớp 6), cô Ông Thị Diễm giao cho các em tiến hành thí nghiệm nhuộm màu cho hoa. Em Vũ Duy Anh, học sinh lớp 6/8 chọn bông cúc màu trắng, dùng dao tách đôi cành cây để có thể nhuộm 2 màu trên cùng một bông hoa. Nhưng có học sinh chọn bông hoa có màu đậm hoặc dùng màu tự nhiên nên cánh hoa không thể chuyển màu được.
Duy Anh kể: “Từ sản phẩm thực hành, với sự gợi ý của cô giáo, chúng em phân tích được khả năng vận chuyển chất của một số loại cây, giải thích được vì sao có sự khác nhau giữa màu thực phẩm và màu công nghiệp khi dùng để pha nước nhuộm cho cây. Bài học mở đầu môn học vì thế hấp dẫn và thú vị, kích thích chúng em khám phá và tìm tòi”.
Cô Lê Thị Bích Nhung - Tổ trưởng Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - nhận xét: “Học sinh lớp 7 hỏi rất nhiều kiến thức rộng và chuyên sâu liên quan đến bài học. Điều này chứng tỏ các em hiểu bài và có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống. Tuy nhiên, điều này lại khiến giáo viên đứng lớp rất “hồi hộp”. Có những câu hỏi của học sinh, thầy, cô giáo phải “nợ” để trả lời vào những tiết sau”.
Là giáo viên được đào tạo chuyên môn Hóa – Sinh, cô Bích Nhung có thuận lợi hơn các giáo viên đơn môn khi chỉ cần tự cập nhật thêm kiến thức môn Vật lý và hệ thống lại môn Sinh. “Ở học kỳ I, vì chưa có kiến thức môn Vật lý nên ngoài triển khai kế hoạch bài dạy cho giáo viên nhóm Khoa học tự nhiên lớp 7 tham khảo, tôi còn hỗ trợ đồng nghiệp những câu hỏi liên quan đến bài dạy. Thầy cô chủ yếu hỏi những ý nhỏ nhằm phát triển sâu hơn bài giảng hoặc những ví dụ cho phần liên hệ thực tiễn” – cô Nhung chia sẻ.
Tuy nhiên, cả cô Diễm và cô Nhung đều cho rằng, khi Chương trình GDPT mới triển khai đến lớp 8, 9, khối lượng kiến thức chuyên sâu nhiều hơn, giáo viên được đào tạo đơn môn không thể đảm nhiệm “3 trong 1 được”.
Thầy Võ Thanh Phước - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) - cho biết: “Với khối lớp 8 - 9 của những năm học sắp tới, nhà trường sẽ phân công giáo viên dạy đơn môn để bảo đảm kiến thức sâu và hỗ trợ học sinh tốt nhất. Theo đó, giáo viên lần lượt dạy theo chủ đề phù hợp với chuyên môn của mình và kết thúc chủ đề nào thì kiểm tra đánh giá chủ đề đó”. Với phương án này, sẽ có những thời điểm, số tiết dạy/tuần của giáo viên sẽ vượt quá quy định nhưng tính theo năm học thì vẫn đủ tổng số tiết dạy.