Chú trọng giáo dục nhân cách học sinh, giảm thiểu bạo lực học đường

Kim Thoa | 03/03/2022, 17:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Kiểm soát và giảm thiểu bạo lực học đường luôn là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nhà trường, các nhà giáo dục.

Bàn về giải pháp, chuyên gia Tô Thuỵ Diễm Quyên cho rằng: Tại gia đình, cha mẹ cần là những tấm gương tốt cho con về cách ứng xử và chú trọng bồi dưỡng nhân cách cho con càng sớm càng tốt.

Tại trường học, giáo viên cần thường xuyên trau dồi, điều chỉnh nghiệp vụ sư phạm để nắm bắt sát nhất tình trạng của mỗi học sinh, kịp thời hỗ trợ các em tháo gỡ nút thắt tâm lý. Bởi sự quan tâm, hiểu biết, phương pháp và tình yêu của giáo viên chủ nhiệm là công cụ quan trọng để cảm hoá, giáo dục, kiểm soát và điều chỉnh hành vi của học sinh mình.

Dưới góc độ một nhà quản lý giáo dục, Ông Nguyễn Minh Quý – Hiệu trưởng trường THPT Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân, Hải Phòng) cho rằng: Để xảy ra các vụ bạo lực trong nhà trường, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Ban Giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm. Chúng ta có thể đánh giá về sự thiếu quan tâm hay chưa sâu sát trong nắm bắt tâm lý và tình hình học sinh của các thầy cô nhưng mặt khác cũng cần xét đến các yếu tố liên quan khác.

Chúng ta cần nhìn nhận thẳng vấn đề, kỹ năng sống của một đứa trẻ không thể chỉ trông chờ vào thầy cô và nhà trường với biết bao nhiệm vụ nặng nề khác. Đây là bài học cảnh tỉnh cho các gia đình, hãy quan tâm hơn, sâu sát hơn, gần gũi chia sẻ hơn để giúp con em mình trau dồi kỹ năng và kịp thời lắng nghe tâm tư của trẻ. Chỉ có chủ động phối hợp mới có thể cho hiệu quả tốt đẹp trong công tác giáo dục nên một nhân cách tốt.

Tất cả các học sinh liên quan đến vụ việc, bao gồm các em đánh bạn, học sinh bị bạn đánh hay những học sinh chứng kiến sự việc,… tất cả các em đều cần được quan tâm đặc biệt về tâm lý. Các em cần hơn nữa một môi trường sống hướng thiện, biết sẻ chia, yêu thương và thấu hiểu giá trị đích thực của cuộc sống từ gia đình, nhà trường và xã hội…

“Tôi cho rằng, trong vụ việc này thầy cô cần nhìn nhận, đánh giá đúng bản chất, không nên che giấu hay ém nhẹm. Đó cũng là cách giáo dục học sinh về sự tuân thủ luật lệ. Luật pháp cũng quy định, trẻ em dưới 16 tuổi sẽ được kỷ luật theo hướng cảm hóa và giáo dục.

Tuy nhiên, cũng rất cần có hình thức kỷ luật cứng rắn và nghiêm khắc, đủ răn đe đối với các em học sinh vi phạm, làm bài học cho những trường hợp khác. Chúng ta nhân ái và độ lượng nhưng không thể dung túng cho những hành động sai trái. Đó là cách chúng ta dạy thế hệ trẻ biết đứng dậy sau vấp ngã chứ không phải là sự vùi dập”, ông Nguyễn Minh Quý nhấn mạnh.

Bạo lực cần được giải quyết từ trong gốc rễ bằng giáo dục nhân cách con trẻ ngay từ nhỏ, gây dựng giá trị sống trong gia đình, nhà trường, xã hội, phục hưng những giá trị văn hóa tinh thần, tạo nền tảng đạo đức, xây dựng chế tài luật pháp đủ sức răn đe cái ác... Để làm được những điều trên, cần một sự đồng lòng, cần nhiều sự đổi thay lắm… Nếu không, lâu lâu, xã hội lại nhức nhối những vết đau.
TS Vũ Thu Hương
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chu-trong-giao-duc-nhan-cach-hoc-sinh-giam-thieu-bao-luc-hoc-duong-31H5cOYnR.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chu-trong-giao-duc-nhan-cach-hoc-sinh-giam-thieu-bao-luc-hoc-duong-31H5cOYnR.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chú trọng giáo dục nhân cách học sinh, giảm thiểu bạo lực học đường