“Nếu trung tâm chỉ dạy mình nói thế nào, sử dụng thành ngữ, điển tích ra sao cho hay ở một tình huống cụ thể, đại học sẽ giúp mình đi sâu tìm hiểu tại sao lại có thành ngữ, điển tích đó. Nghĩa là chúng mình không chỉ học về ngôn ngữ, chúng mình học thêm cả về lịch sử, văn hóa, địa lý, đặc điểm… của Trung Quốc”, cô giải thích.
Bên cạnh đó, Mỹ Anh cho hay nếu chỉ học trung tâm, cô rất khó được đào tạo kiến thức chuyên ngành của Biên - Phiên dịch. Theo nữ sinh, đối với những bạn có định hướng làm nghiên cứu, sư phạm hoặc biên - phiên dịch, việc được đào tạo bài bản rất quan trọng, không phải cứ đi học chứng chỉ, đạt được chứng chỉ cao là có thể nghiên cứu, đi dạy, đặc biệt là biên dịch tốt.
“Nhiều bạn ôn thi như mì ăn liền, thi xong lấy bằng HSK đi dịch nhưng chất lượng dịch không tốt, lấy giá không phù hợp với mặt bằng chung. Điều này ảnh hưởng tới việc làm của những người được đào tạo chính quy như chúng mình và làm mất niềm tin của xã hội với nghề”, Mỹ Anh nói.
Ngoài ra, 4 năm học, Mỹ Anh chi trả hơn 40 triệu đồng tiền học phí. Con số này sẽ khác nhau ở mỗi trường. Chi phí một số trường có thể lớn hơn so với học chứng chỉ bên ngoài, tuy nhiên, Mỹ Anh cho rằng không thể so sánh chi phí đắt rẻ giữa việc học trung tâm và học đại học bởi ngay từ đầu, mục đích của người học không giống nhau.
Trao đổi với Zing, TS Lê Minh Thanh (giảng viên bộ môn Biên - Phiên dịch, khoa Ngữ văn Trung Quốc, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), chia sẻ việc các chứng chỉ ngoại ngữ trở nên phổ biến, được nhiều người học, ôn, thi là điều đáng mừng, cho thấy nhu cầu sử dụng và chuyển đổi ngôn ngữ hiện nay ngày một lớn và càng được chuẩn hóa.
Theo TS Thanh, hiện nay các trung tâm tiếng Hoa đều có các hệ thống, chương trình đào tạo bài bản các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ như nghe - đọc - nói - viết, có thể giúp người học đạt chứng chỉ với số điểm như mong muốn trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, tại các trung tâm, học viên lại không được học kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, hay các kiến thức bổ trợ như văn hóa, lịch sử, địa lý như ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của các trường đại học.
Dù đó, tiến sĩ Thanh đánh giá nhiều người cầm chứng chỉ HSK cao đi làm nghề biên dịch nhưng chuyển đổi ngôn ngữ vẫn còn cứng nhắc, không tự nhiều. Thiếu thời gian được đào tạo bài bản về biên - phiên dịch, họ chưa nhận định đúng và còn phụ thuộc nhiều cấu trúc câu phức tạp của tiếng Trung và lạm dụng nhiều từ có âm đọc Hán Việt.
Ngoài ra, theo ông, không chỉ kiến thức ngôn ngữ, nghiệp vụ làm nghề, sinh viên ngành ngôn ngữ còn được đào tạo về kỹ năng mềm, thái độ làm việc, giao tiếp, ứng xử - điều mà các trung tâm ít chú trọng hơn. Đây cũng là lợi thế của sinh viên khi theo đuổi nghề biên - phiên dịch.
Tuy nhiên, tiến sĩ Lê Minh Thanh thừa nhận việc chọn học ngành ngôn ngữ hay chỉ dành thời gian học để lấy chứng chỉ còn tùy thuộc vào định hướng nghề nghiệp, mục đích sử dụng ngôn ngữ.
Việc học chứng chỉ ngoại ngữ ở ngoài trung tâm có thể giúp các bạn nhanh đạt mục tiêu ngắn hạn như chứng chỉ. Trong khi đó, học khoa ngôn ngữ tại trường đại học hướng các bạn đến mục tiêu xa hơn”, TS Thanh nhận định.
Đồng quan điểm, cô Huyền Trang (giảng viên khoa Tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng nhận định học sinh, sinh viên cần xét đến nhu cầu và định hướng phát triển trước khi đưa ra lựa chọn học đại học ngành ngôn ngữ hay học chứng chỉ bên ngoài.
Theo cô Trang, việc học đại học ngành ngôn ngữ sẽ giúp người học được đào tạo bài bản. Trong khi đó, việc học các chứng chỉ bên ngoài nhiều khi mang tính chất “ăn xổi ở thì", có thể chưa đủ để làm công việc biên - phiên dịch hay giảng dạy.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cô Trang đánh giá nhiều sinh viên học đại học chính quy sau khi ra trường vẫn không vững chuyên môn về ngôn ngữ bằng các bạn học bên ngoài. Điều đó phản ánh quá trình học tập ở mỗi người.
“Nếu định hướng theo công việc biên - phiên dịch, giảng dạy, nghiên cứu ngôn ngữ, các bạn nên theo học bài bản tại trường đại học để tích lũy kiến thức, kỹ năng. Ngược lại, nếu coi ngôn ngữ là công cụ để phục vụ nhu cầu công việc hoặc học tập, các bạn có thể cân nhắc học ở ngoài trung tâm. Tuy nhiên, với đối tượng nào, người học vẫn phải chú trọng rèn luyện thực tế thay vì chỉ bó hẹp học trong trường hay luyện thi", cô Trang đưa ra lời khuyên.
Bên cạnh đó, dựa trên tình hình thực tế của thị trường lao động, tiến sĩ Lê Minh Thanh khuyến khích sinh viên ngành ngôn ngữ học thêm các nghiệp vụ khác để tăng cường cơ hội việc làm.