Cô Quàng Thị Lan được giao giảng dạy Nhóm Cháy (một nhóm trẻ) tại điểm bản Nậm Chua 3, xã Nậm Nhừ (Trường Mầm non Nậm Nhừ). Cô Lan nhà ở huyện Điện Biên, vào công tác trong ngành Giáo dục Nậm Pồ đã gần 10 năm nay. Suốt ngần ấy năm cắm khắp các bản, Tết nào cô cũng tổ chức nấu bánh chưng cùng học sinh trước ngày nghỉ Tết.
Năm nay cô Lan và nhóm lớp sẽ làm khoảng hơn 100 chiếc bánh để mỗi cháu khi rời trường sẽ có khoảng 5 cái mang về. “Ngày làm bánh vui lắm! Các cô thì phân công công việc. Phụ huynh thì mỗi người mỗi việc, người thì chẻ lạt, người rửa lá dong, người thì gói bánh. Nếu thiếu củi đun thì họ lại phân công nhau vào rừng kiếm củi. Các con được trải nghiệm thì vui lắm. Cả bố mẹ và cô giáo cũng vui lây!”, cô Lan kể.
Tuần đầu tháng 1/2024, ngày cô Lan nhận được gạo từ một vài phụ huynh mang đến đóng góp. Cô thống nhất sẽ nhận gạo trước, còn lá bánh thì sẽ nhận giáp ngày tổ chức vì sợ để lâu lá sẽ bị héo và khô, làm bánh sẽ không được đẹp và mất ngon.
Như mọi năm, năm nay anh Giàng A Nhà cũng tích cực tham gia. Anh kêu gọi các gia đình thu xếp công việc ruộng nương xong sớm để dành nguyên một ngày cùng nhà trường làm bánh. “Tôi vẫn hỏi các cô giáo xem công việc thế nào. Củi đun thì hàng tháng các cháu đóng góp vào bếp ăn của trường rồi nhưng cũng sợ thiếu. Nếu thiếu thì tôi sẽ vận động anh em trong bản vào rừng kiếm để cho chủ động”, anh Nhà nói.
Ngày Tết của cô trò vùng cao cứ thế diễn ra. Đến khi những chiếc bánh chưng cuối cùng được phát hết thì các cô mới yên tâm rời trường để về với “tổ ấm”. Nhưng niềm vui ngắn “chẳng tày gang”, mấy ngày nghỉ Tết qua đi, các cô lại vội vàng lên trường để kịp khai xuân cùng đơn vị.
Như thông lệ, trước tái giảng 2 ngày, các cô phải có mặt đông đủ. Ngày khai xuân, họ dành ít phút ngắn ngủi để gửi cho nhau những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới. Thế rồi, như đàn chim rời tổ, mỗi “con” mỗi nơi, thầy cô đi khắp các bản vùng cao để gọi trò đến lớp.
Năm nào cũng thế, trước khi trở lại trường, cô Lan không quên xem lại bánh kẹo trong nhà. Còn bao nhiêu, cô Lan mang lên trường hết để tổ chức Tết lại cho trò. Nếu bánh kẹo không còn nhiều thì dọc đường đi cô sẽ bỏ tiền túi ra mua thêm.
“Lớp học của tôi có 22 em. Trong khi đó, chỉ 1 em thuộc con em hộ cận nghèo. Còn lại đều là con hộ nghèo cả. Ở bản, các con chẳng có kẹo ngon như mình ăn đâu. Khi cô mua kẹo mang lên, các con vui lắm. Vì thế mà ai cũng thích đến lớp ngày đầu để được cô cho kẹo”, cô Lan nói thêm.
Tôi dự kiến sẽ lên trường từ hôm mùng 4 âm lịch vì sáng mùng 5 cả trường sẽ khai xuân. Khai xuân xong là chúng tôi phải trở về bản ngay. Ai ở bản nào thì về bản đó để quét dọn lớp học, lau chùi bảng và chuẩn bị chỗ ngủ cho các con. Xong việc này thì lại tranh thủ đi từng nhà để dặn dò phụ huynh ngày mai đưa con đi học. - Cô Quàng Thị Lan