Trước hết, cần khẳng định học thêm là nhu cầu có thật của phụ huynh, học sinh. Đặc biệt, với những học sinh năng khiếu hoặc học sinh có học lực trung bình thì việc học thêm càng quan trọng.
Ở khu vực nội thành Hà Nội, tiếp giáp với nhiều trường THCS chất lượng cao, trường chuyên của địa bàn thành phố nên rất nhiều phụ huynh muốn đầu tư cho con từ tiểu học để có thể thi hoặc xét tuyển vào các trường nổi tiếng, có môi trường giáo dục tốt. Muốn vậy nếu học sinh chỉ học bài, làm bài trên lớp sẽ khó đáp ứng được. Đó cũng chính là lí do mà phụ huynh cho con tham gia các lớp học thêm để con có thể có kiến thức thi đỗ vào các trường mà mình mong muốn.
Cùng với đó, do áp lực về sĩ số nên việc triển khai Chương trình GDPT 2018 còn gặp khó khăn, nhiều học sinh có khả năng tiếp thu chậm, yếu bị thụt lại phía sau. Những bạn ấy hoặc cha mẹ học sinh ấy rất muốn cho con tham gia các lớp học thêm để có thể củng cố, nắm chắc kiến thức còn thiếu, yếu.
Hiện nay, nhiều phụ huynh lo lắng, nghĩ rằng nếu con không học thêm thì khó có thể theo được các bạn. Bên cạnh đó, cha mẹ lại có tâm lý con hàng xóm học thêm, nếu con mình không học thì không yên tâm. Những yếu tố trên khiến việc học thêm, dạy thêm trở thành một cuộc đua của người người - nhà nhà, gây ra tình trạng dạy tràn lan, khó quản lý.
Tôi cho rằng, cần đưa dạy thêm trở thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Giáo viên là người gần gũi, nắm rõ nhất đặc điểm, khả năng tiếp thu của học sinh nên có phần thuận lợi khi tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, cần được cấp có thẩm quyền phê duyệt về nội dung, chương trình cẩn thận để vừa đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018, vừa có thể củng cố, mở rộng kiến thức, kỹ năng… cho học sinh có nhu cầu.
Với các trung tâm dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường cần được quản lý, đảm bảo có đủ điều kiện về chuyên môn, cơ sở vật chất mới được phép hoạt động. Hiện nay, việc này vẫn có nhiều mặt trái, nhiều thầy cô trong các trường cũng có những “chiêu trò” để học sinh theo học, làm méo mó hình ảnh nhà giáo. Do đó, việc quy định dạy thêm trở thành một nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý, điều này cũng đỡ “mang tiếng” cho các trường. Trung tâm nào tốt, học sinh có quyền lựa chọn, không nhất thiết phải theo giáo viên trong trường.
Không nên cấm giáo viên dạy thêm, vì ai cũng có quyền được làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Cần hơn cả là có quy định và quản lý rõ ràng để hạn chế được những mặt trái.
Để quản lý tốt nhu cầu học tập (dạy thêm, học thêm) quan trọng nhất là bộ phận cấp phép cần khách quan. Sẽ có nhiều cách để “lách luật” nhằm được cấp phép, nếu bộ phận này không làm việc xác đáng, thực chất, vẫn sẽ hình thành những cơ sở kém chất lượng và việc quản lý dạy thêm, học thêm vẫn sẽ là “bình mới rượu cũ”.
Quan trọng nhất là công tác quản lý Nhà nước cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra đúng nghĩa, minh bạch để không phát sinh những cơ sở làm chưa thực chất. Về mặt chất lượng, đánh giá của phụ huynh, học sinh sẽ mang tính khách quan, thực tế nhất.
Đối với nhà trường, hạn chế đưa các trung tâm vào trường để tham gia hay tổ chức việc dạy thêm, học thêm. Việc tổ chức dạy thêm sẽ do nhà trường sắp xếp và bố trí giáo viên để đảm bảo công bằng. Nếu quy định này được thực hiện thì sẽ đưa dạy thêm, học thêm về đúng ý nghĩa của nó, vừa đáp ứng nhu cầu, nâng cao học lực cho các em vừa tạo điều kiện cải thiện thu nhập công bằng cho giáo viên.
Khi học sinh muốn ôn luyện kiến thức chưa vững, muốn rèn luyện thêm năng lực nâng cao để sẵn sàng cho các kỳ thi tuyển sinh, chuyển cấp, thi học sinh giỏi… thì nhà trường có thể lựa chọn giáo viên có đủ năng lực, chuyên môn tốt để tổ chức các lớp ôn tập, bổ sung nâng cao kiến thức cho học sinh. Đây cũng là cách để nâng cao uy tín cho nhà trường nếu học sinh có thành tích cao.
Về phía giáo viên, nếu có nhu cầu tham gia dạy thêm thì có đơn để tham gia giảng dạy ở các trung tâm hoặc nhà trường (nếu tổ chức) nhưng không làm ảnh hưởng đến định mức tiết dạy theo quy định. Tương tự, phụ huynh học sinh, cần hỏi ý kiến con mình trước khi cho con tham gia học thêm, để con nói ra suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Đồng thời, chấp hành nội quy của các cơ sở hoặc nhà trường tổ chức học thêm.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường. |
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) đề xuất dạy thêm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hoàn toàn hợp lý. Các hoạt động ở trường, mở lớp, trung tâm giáo dục thì pháp luật đã quy định là hoạt động nghề nghiệp kinh doanh có điều kiện, ngoài giấy phép kinh doanh còn phải có “giấy phép con” phải được sự cấp phép của cơ quan chuyên môn.
Người dạy thêm cũng phải có trình độ chuyên môn, chứng chỉ phù hợp để đảm bảo chất lượng cho hoạt động giảng dạy và quyền lợi của người học. Đồng thời công tác quản lý góp phần tránh thất thoát việc thu thuế và đảm bảo quyền của giáo viên trong việc dạy học.
Chúng ta cần có quy định cụ thể, thống nhất, nhất quán về vấn đề học thêm, dạy thêm, gồm: Điều, trình tự thủ tục và công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này; làm sao để giáo viên có cơ hội phát huy tối đa khả năng nghề nghiệp của mình, cải thiện đời sống, tăng thu nhập và học sinh có cơ hội tiếp cận tri thức, học tập mở rộng nâng cao trình độ nhận thức, khả năng tiếp thu kiến thức.
Ngoài việc quy định cho phép, về điều kiện trình tự thủ tục thì cũng cần quy định việc kiểm tra giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm để kịp thời phát hiện ra các hành vi vi phạm và áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật và các chế tài.
Cần sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có các Thông tư của Bộ GD&ĐT về vấn đề học thêm, dạy thêm. Cần quy định về điều kiện của người dạy, người học, mô hình tổ chức lớp; quy định về báo cáo kiểm tra giám sát và quy định cả về chế tài xử phạt phải xử lý nếu vi phạm…