“Chẳng hạn, qua hệ thống kiểm định chất lượng của các trường, hệ thống hỗ trợ phát triển nghiên cứu và bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, cung cấp tài chính và đầu tư theo “kết quả đầu ra” của cơ sở đào tạo”, GS.TS Trần Đức Viên trao đổi, đồng thời gợi mở, thông qua hội đồng trường, cơ sở giáo dục đại học sẽ tự lãnh đạo, lên kế hoạch phát triển, hành động và ra quyết định. Tất nhiên, vẫn phải đi kèm với trách nhiệm giải trình.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trong ngày tốt nghiệp. Ảnh: Phòng Truyền thông nhà trường |
Cũng theo GS.TS Trần Đức Viên, cần xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước về cơ cấu, quy mô giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nhân lực đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt hội nghề nghiệp trong việc giám sát chất lượng đào tạo; tạo niềm tin cho xã hội và người học.
Liên quan đến cơ sở giáo dục đại học dừng tuyển sinh chương trình chất lượng cao, đại diện Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, không còn khái niệm chương trình đào tạo chất lượng cao. Do đó, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2023/TT-BGDĐT (Thông tư 11) bãi bỏ Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT ngày 18/7/2014 (Thông tư 23) quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ đại học.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT khẳng định, việc bãi bỏ Thông tư số 23 không có nghĩa cơ sở giáo dục đại học không còn hay không được triển khai chương trình chất lượng cao. Điều này không ảnh hưởng tới việc tuyển sinh và đào tạo các chương trình khác của cơ sở giáo dục đại học.
Phát triển chương trình đào tạo khác nhau thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, đảm bảo tuân thủ về Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học quy định tại Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT.
Bộ GD&ĐT khuyến khích cơ sở giáo dục đại học xây dựng và phát triển chương trình đào tạo có yêu cầu về chuẩn đầu vào, đầu ra cao hơn so với chuẩn do Bộ quy định. Dù tên gọi là gì, các đơn vị có trách nhiệm công khai, minh bạch thông tin đối với chương trình do trường cung cấp.
Mặt khác, các trường cam kết với người học về tuyên bố chất lượng từ đầu vào, điều kiện dạy - học, quá trình đào tạo cho đến đầu ra, cùng những quy định khác. Các cơ sở đào tạo cũng thực hiện trách nhiệm giải trình đối với bên liên quan và toàn xã hội.
Theo TS Lê Viết Khuyến, không quá quan ngại khi các trường “sang tên, đổi họ” cho chương trình chất lượng cao. Bởi bản chất, các chương trình vẫn dựa trên nền tảng và kế thừa từ chương trình chất lượng cao trước đây.
Tuy nhiên cần tăng cường thanh/kiểm tra, giám sát những chương trình này. Các trường cần bám sát và tuân thủ quy định Thông tư số 17/2021/TT-BGDĐT ngày 22/6/2021 của Bộ GD&ĐT “Quy định về chuẩn chương trình đào tạo, xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học”.
“Việc cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở ngành đào tạo khi chưa bảo đảm các điều kiện theo quy định thì bị đình chỉ hoạt động với ngành đó và không được tự chủ mở ngành đào tạo trong thời hạn 5 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”, TS Lê Viết Khuyến nhắc lại.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo cần được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải kiểm định theo quy định của Luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá, kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở giáo dục đại học phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình cũng như quyền lợi cho người học; không được tiếp tục tuyển sinh ngành đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
Xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo có yêu cầu cao hơn về chuẩn đầu ra, điều kiện đảm bảo chất lượng so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Các khóa chất lượng cao đã tuyển sinh trước ngày 1/12/2023 (ngày Thông tư 11 có hiệu lực) được tiếp tục tổ chức đào tạo cho đến hết khóa học theo các quy định tại Thông tư 23.