Chương trình GDPT mới: Cần tạo động lực thay đổi cho giáo viên

Anh Tú | 09/04/2023, 13:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 8/4, Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức Hội thảo thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THPT.

"Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành liên quan có phương án giải quyết bài toán thừa, thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là với các môn lựa chọn. Bên cạnh đó, các trường công lập cần được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất để học sinh phát huy tốt nhất thế mạnh, năng lực bản thân. Thực tế cho thấy, khi được học môn yêu thích, đúng với thế mạnh thì các em rất vui vẻ, say mê học tập"- bà Phạm Thị Bé Hiền nói.

Chương trình GDPT mới: Cần tạo động lực thay đổi cho giáo viên  ảnh 1

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn (TPHCM) chia sẻ thực tiễn triển khai chương trình GDPT 2018 tại trường mình.

Chuyển động tư duy, tìm hướng đi trong khó khăn hơn là than thở

Đây là điều GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM chia sẻ tới các đại biểu tham dự hội nghị về các vấn đề đặt ra.

Không phủ nhận thách thức và khó khăn khi triển khai chương trình GDPT mới nhưng theo GS Huỳnh Văn Sơn cái quan trọng nhất vẫn là làm sao để thay đổi tư duy, thói quen của giáo viên. Thầy cô nào cũng coi môn của mình là môn chính, học sinh phải học giỏi môn của mình. Có những giáo viên vẫn bị áp lực thành tích, vẫn có sức ì, ngại đổi mới.

Theo GS Huỳnh Văn Sơn, thời điểm này là giai đoạn bản lề của đổi mới giáo dục, không thể có giải pháp hoàn hảo mà chỉ có thể tìm những giải pháp tốt nhất để khắc phục khó khăn. Thay vì than thở thì thầy cô hãy hiến kế cho ngành giáo dục. Về lâu dài, ngành giáo dục phải nỗ lực chuyển đổi số để quản lý, thực hiện tốt nhất mục tiêu chương trình mới.

"Sắp tới, Trường ĐH Sư phạm TPHCM sẽ tổ chức biên soạn cẩm nang kỹ năng tự học cho học sinh phổ thông, đồng thời, xây dựng hệ thống học liệu dùng chung. Hiện nay, Trường trung học thực hành được sử dụng chung phòng thí nghiệm của Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Do đó, các trường phổ thông trong từng cụm chuyên môn có thể sử dụng chung phòng thí nghiệm, thiết bị để dạy học. Thậm chí, cả giáo viên cũng có thể “dùng chung”, học sinh được quyền "chạy sô" trong cơ sở giáo dục tự chọn thì sao giáo viên lại không" - GS Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Nhìn nhận sự thay đổi trong tư duy có vai trò rất lớn đến sự thành công của chương trình, ông Trương Văn Tiến, Phó phòng Giáo dục phổ thông Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho rằng việc thầy cô chủ động tiếp cận và lĩnh hội cái mới, thích ứng và thay đổi trong hoạt động dạy học chính là đang tự tháo gỡ những khó khăn qua từng ngày, giúp nhà trường, học sinh và bản thân mình có những tiết dạy hiệu quả hơn.

"Dù chương trình GDPT mới đã triển khai nhưng công tác đánh giá của giáo viên với học sinh vẫn theo lối mòn, khi cứ cho một bài kiểm tra, đánh giá, chấm điểm là xong nên không đánh giá hết học sinh theo hướng phát triển năng lực. Vì vậy việc nhà trường tạo động lực cho giáo viên có vai trò quan trọng nhất, giáo viên có động lực thì mới có cảm hứng, có lửa nghề...từ đó giáo viên có thêm năng lượng, nhiệt huyết để truyền tải cho học sinh.

Các thầy cô cần hiểu rằng khi thay đổi thì chắc chắn ban đầu có khó khăn và phải vượt qua được cảm giác ngại thay đổi, phải có động lực thay đổi"- ông Trương Văn Tiến nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-gdpt-moi-can-tao-dong-luc-thay-doi-cho-giao-vien-post633641.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuong-trinh-gdpt-moi-can-tao-dong-luc-thay-doi-cho-giao-vien-post633641.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình GDPT mới: Cần tạo động lực thay đổi cho giáo viên