Đối với vấn đề này, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM đã có “sáng kiến” mời giáo viên dạy tiểu học nhưng có bằng đại học về dạy âm nhạc để có sự bài bản, chuyên nghiệp và năm sau mới thực hiện.
Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Trong năm đầu tiên, trường sẽ chỉ thực hiện dạy mỹ thuật. Khi làm tốt một môn, giáo viên mới có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy thêm môn âm nhạc”.
Điều bà Dung băn khoăn nhất hiện nay lại là chuyện học sinh sẽ lựa chọn môn tin học nhiều và bỏ rơi môn công nghệ, trong khi đây lại là môn học có hướng phát triển rất tốt.
Trao nhiều quyền hơn cho các trường?
Song song với việc điều chỉnh chọn môn học cho học sinh, chương trình mới cũng xuất hiện rất nhiều nội dung mới. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong bối cảnh các trường đào tạo giáo viên vẫn hạn chế về số lượng.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM, nêu quan điểm: “Đối với các môn như Giáo dục địa phương, Trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật… tình trạng thiếu giáo viên là rất trầm trọng, vì hiện tại chưa có trường đại học nào đào tạo những ngành này”.
Cũng theo ông Phú, không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng trong quá trình truyền tải nội dung đến học sinh cũng là điều đáng phải bàn.
Ông Phú nêu ví dụ, trong môn Giáo dục địa phương, nếu nói về Sài Gòn xưa và nay là TPHCM với 300 năm lịch sử, để dạy được môn này phải là người thực sự am hiểu về địa phương chứ không thể một giáo viên ở nơi “lạ nước lạ cái” đến, mới trúng tuyển vào trường rồi đi dạy môn này. Như vậy, giáo viên chỉ cầm sách đọc thôi chứ để thẩm thấu hồn văn hoá địa phương thì không có. Điều này dẫn đến việc giảng dạy chưa thể mang lại hiệu quả cao.
Chính vì thế, ông Phú đề xuất, việc tuyển dụng giáo viên nên “trả về” các trường để họ chủ động, linh hoạt hơn trong vấn đề sử dụng, tuyển chọn nhân sự, sử dụng được người tài theo đúng nội dung 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Một số chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ngay kho học liệu, bài giảng e-learning mẫu để giáo viên nghiên cứu và học hỏi. Cùng với đó, sách giáo khoa cũng sớm được triển khai về các trường.
Theo ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM, hiện nay, sách mới chỉ có bản trên website, giáo viên tự lên nghiên cứu. Ông Phước cũng đề xuất nên giao quyền chọn sách về cho các trường.