Chương trình mới đòi hỏi trường học cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo một số ý kiến từ chuyên gia giáo dục, khi triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, các nhà trường cần đẩy mạnh quá trình đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tế.

Dưới đây là một số ví dụ về các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhà trường:

Giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường nghiên cứu chương trình mới, SGK, đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn, kế hoạch bài dạy của giáo viên cụ thể, phù hợp với đối tượng học sinh.

Thúc đẩy việc phát triển các chủ đề học tập liên môn, chuyên đề học tập (THPT), giáo dục STEM…Học sinh được học tập theo phương pháp trải nghiệm, thực hành và đưa ra các ý tưởng sáng tạo.Thông qua các dự án học tập, giáo viên trở thành người thiết kế chương trình và học sinh hợp tác giải quyết các vấn đề.

Học sinh được xếp lớp dựa vào năng lực và kỹ năng của bản thân. Phát triển các chương trình giáo dục địa phương, gắn kết vào cộng đồng địa phương.Thông qua môi trường công nghệ, giáo viên và học sinh sáng tạo, giao tiếp, truy cập thông tin và trải nghiệm phương pháp học tập tự định hướng.

Hiệu trưởng cần làm gì để thúc đẩy đổi mới sáng tạo?

Từ năm học 2020-2021, Chương trình GDPT 2018 đã bắt đầu triển khai ở cấp Tiểu học với lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai cả ở Tiểu học với các khối 1, 2 và cấp Trung học cơ sở ở lớp 6; trong năm học 2022-2023 sắp tới sẽ tiếp tục triển khai ở Tiểu học từ lớp 1, 2, 3; THCS với lớp 6, 7 và THPT với lớp 10.

Thời gian biểu tuần lễ sáng tạo của Trường THCS Cầu Giấy – Hà Nội, một trường đổi mới sáng tạo được lựa chọn trình bày điển hình tại Hội thảo sắp tới.

Thực tế hiện nay, không ít hiệu trưởng rất trăn trở về trường học cần làm gì để có thể thực hiện tốt Chương trình mới, thầy cô, học sinh và cha mẹ học sinh các cấp vẫn còn lo lắng, nhất là học sinh THPT sẽ học chương trình mới bắt đầu từ năm học tới đây.Rõ ràng, hiệu trưởng không thể “cầm tay chỉ việc” cho giáo viên như trước đây, mà cần phải tạo ra môi trường giáo dục “nảy nở sáng tạo chân thực” của mọi giáo viên và học sinh. Điều này hoàn toàn khác với căn bệnh thành tích trước đây.

"Một trong các bí quyết của việc tạo môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo là 'trao quyền' cho giáo viên, tạo động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho họ. Tiếp đến, thầy cô sẽ tiếp tục trao quyền đổi mới sáng tạo cho học trò trong từng tiết học, môn học. Đem lại niềm vui học tập cho học sinh khi khám phá ra những điều mới mẻ của thế giới cũng như khám phá ra những tiềm năng của chính bản thân mình” - Nhà giáo ưu tú Lê Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.

Hiệu trưởng đừng nghĩ giáo viên phải tuân thủ mọi mệnh lệnh của mình, mà hãy đưa ra một tầm nhìn đổi mới sáng tạo, cùng tập thể sư phạm thiết kế các chương trình hành động thực tế có lộ trình phù hợp. Đồng thời hướng mọi thành viên của nhà trường, cha mẹ học sinh và các bên liên quan cùng hành động để phát triển tối đa tiềm năng của mỗi học sinh…

Không chỉ vậy, còn rất nhiều bí quyết nữa từ chính thầy cô hiệu trưởng đang dày công vun đắp trường học thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Chúng ta sẽ được nghe các chuyên gia giáo dục trong nước, quốc tế, các hiệu trưởng đổi mới sáng tạo nói về chủ đề này ở các phiên Hội thảo của Mạng lưới Quản lý giáo dục Không Biên Giới, ngày 27-28/3 tại Vinpearl-Hạ Long, Quảng Ninh.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chuong-trinh-moi-doi-hoi-truong-hoc-can-thuc-day-doi-moi-sang-tao-yRDuXeEng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/chuong-trinh-moi-doi-hoi-truong-hoc-can-thuc-day-doi-moi-sang-tao-yRDuXeEng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chương trình mới đòi hỏi trường học cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo