"Sự phù hợp của chương trình so với thực tiễn của nhà trường và qua sự nhận xét đánh giá của học sinh, giáo viên - có thể thấy chương trình GDPT mới triển khai ở bậc phổ thông sẽ thuận lợi hơn khi tính chủ động của học sinh và giáo viên cũng cao hơn. Nút thắt đáng ngại nhất ở bậc này trong giai đoạn tới có lẽ là giải pháp để hút giáo viên bộ môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh...
Để thu hút người có trình độ đại học ngành Âm nhạc và Mỹ thuật vào môi trường giáo dục theo quy định thật sự rất khó. Đây rõ ràng là điều cần phải có sự điều chỉnh về mặt chính sách và cơ chế thì mới giải quyết được" - ông Sỹ đánh giá.
Cô Nguyễn Thị Ái Vân, tổ trưởng tổ Văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nhìn nhận: Chương trình GDPT mới được xây dựng trên nền tảng tổng quát, có tầm nhìn cho giai đoạn 5-10 năm tới nên rất tốt.
"Thực tế khi dạy chương trình học sinh đã rất hào hứng, các kỹ năng được hình thành tốt hơn, các em được học trong không gian mở hơn, tiếp thu kiến thức, hình thái kỹ năng qua nhiều thể loại diễn đạt, học tập... Từ đó mở ra cho học sinh nhiều góc nhìn về cuộc sống, cảm nhận và thẩm thấu các giá trị của tác phẩm tốt hơn" - cô Vân nói.
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong giờ học Nhiếp ảnh trong sân trường. |
Thầy Vũ Tánh Linh, giáo viên bộ môn Tin học cho rằng với môn Tin học đó là một sự giải phóng khi triển khai chương trình GDPT mới. Bởi chương trình 2016 có bộ SGK sử dụng một bộ phần mềm. Nhưng ở chương trình mới nội dung của môn Tin học rất đa dạng, lượng kiến thức đa chiều giúp cả người dạy lẫn người học đều rất hứng thú. Giáo viên muốn dạy tốt thì bản thân cũng phải học và lĩnh hội thêm nhiều phạm trù kiến thức mới.