Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng và đưa vào sử dụng Kho học liệu điện tử dùng chung, miễn phí cho giáo dục phổ thông với khoảng 7.000 bài giảng E-learning, hơn 2.000 video bài giảng dạy trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông.
Bài giảng E-learning. Ảnh minh họa/INT |
Kết nối thành công cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Kết nối, xác thực, định danh hồ sơ cán bộ, giáo viên và học sinh trên tổng số gần 24 triệu học sinh (đạt 91,6%). Kết nối thành công Hệ thống phần mềm quản lý thi của Bộ và Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng (trong đó cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển cho thí sinh) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cổng Dịch vụ công quốc gia, đảm bảo an toàn thông tin và sử dụng ổn định.
Trong năm 2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục triển khai kết nối dữ liệu người học (cơ sở sở dữ liệu về giáo dục đại học) với dữ liệu bảo hiểm (cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm) nhằm hỗ trợ công tác thống kê tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp, dự báo nguồn nhân lực và xu hướng nghề nghiệp của sinh viên ra trường.
Kết quả đạt được, đặc biệt là vấn đề còn khó khăn, hạn chế, cũng như lưu ý triển khai thực hiện trong thời gian tới là nội dung trọng tâm được trao đổi tại phiên họp.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm coi cải cách hành chính và chuyển đổi số là giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy công tác quản lý nhà nước về giáo dục, thúc đẩy chất lượng giáo dục; do đó cần được quan tâm một cách tương ứng.
Vấn đề ưu tiên trước mắt, theo Bộ trưởng là các nội dung chuyển đổi số chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển ĐH-CĐ sắp tới và khuyến cáo các tỉnh thành sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10. Bộ trưởng cũng lưu ý dần tính đến phương án để từng bước có hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học trên cả nước...