Giáo dục

Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục cần mang tính chiến lược và cải cách

29/07/2024 10:46

Chuyển đổi số là xu hướng phổ biến, tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực.

Hội thảo khoa học Quốc gia “Nghiên cứu về dạy và học, quản lí giáo dục ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số: Chủ đề và phương pháp” do Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Trường Đại học Đà Lạt tổ chức, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/7/2024, tại Đà Lạt.

33d227f8fd2a5874013b.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Huy Hồng

Hội thảo đã nhận được hơn 100 bài báo khoa học, của 133 tác giả, đến từ 55 cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu trong cả nước, trong đó có nhiều bài viết bằng tiếng Anh.

Hội thảo không chỉ là diễn đàn để các nhà khoa học công bố nghiên cứu và bàn luận về những vấn đề liên quan, mà còn là một “không gian mở” để các nhà quản lí, hoạch định chính sách, nghiên cứu sinh, học viên sau đại học chia sẻ kinh nghiệm, tầm nhìn, ý kiến về lí luận và thực tiễn, chính sách liên quan đến dạy và học, quản lí giáo dục ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là xu hướng phổ biến, tất yếu, khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã kí Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, theo đó, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên.

Triển khai Quyết định này, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, tạo môi trường học tập kết nối, ứng dụng công nghệ thông tin, bảo mật nhằm thu hẹp khoảng cách địa lí, tạo trải nghiệm mới trong học tập, tăng cường tương tác.

Tuy nhiên, công tác chuyển đổi số trong giáo dục cũng đặt ra một số thách thức, bao gồm việc đổi mới tư duy quản lí, dạy và học; đảm bảo truy cập công bằng với công nghệ; hoạt động đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên, học sinh; đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong môi trường số. Ngoài ra, nhận thức đúng về chuyển đổi số, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo đúng các thách thức là những vấn đề đặt ra để xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số hợp lí, nhằm nhanh chóng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo cho các cơ sở giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục mang tính chiến lược, lâu dài, gắn với những cải cách mạnh mẽ, triệt để trong giảng dạy, học tập và quản lí đào tạo. Tháng 5 vừa qua, phát biểu trong Hội thảo quốc gia “Chuyển đổi số trong giáo dục mở thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Chuyển đổi số trong giáo dục đã, đang diễn ra mạnh mẽ, với mục tiêu tăng cường áp dụng tiến bộ của công nghệ trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, tăng cường hiệu quả quản lí giáo dục và xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số. Các cấp quản lí có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức, chỉ đạo quyết liệt, triển khai có hệ thống về việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giáo dục đào tạo trong tổng thể Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Cùng với đó, không thể thiếu sự ủng hộ, tham gia của mỗi người học, mỗi nhà giáo và toàn xã hội, bởi, lợi ích mang lại cho người học, đội ngũ nhà giáo và người dân là thước đo chủ yếu đánh giá mức độ thành công của công cuộc chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo.

Chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo về chuyển đổi số trong quản trị nhà trường, ThS. Trần Thống – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt cho biết: “Trường luôn xác định chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản trị, quản lí là nhiệm vụ trọng tâm và chiến lược của nhà trường giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Trường đã đầu tư và triển khai hạ tầng mạng kết nối tốc độ cao 10 Gbps từ gần 30 tòa nhà về hệ thống Data Center; đưa vào triển khai tích hợp gần 12 phân hệ liên quan đến quản lí nhân sự, công tác đào tạo, công tác sinh viên, thư viện, tạp chí, hệ thống quản lí học tập; toàn bộ các nghiệp vụ liên quan đến người học đã được chuyển đổi lên trên môi trường số, từ tuyển sinh đầu vào đến tốt nghiệp đầu ra; cơ sở dữ liệu giúp cung cấp các thông tin cần thiết trong chỉ đạo và điều hành của các đơn vị thuộc Trường”.

8b56c2471895bdcbe484.jpg
ThS. Trần Thống – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt. Ảnh: ĐH Đà Lạt

Các nghiên cứu trình bày tại Hội thảo cũng tập trung luận bàn những vấn đề cơ bản trong bối cảnh đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chuyển đổi số và đổi mới chính sách về giáo dục. Nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của những người tham dự như: Các chủ đề và phương pháp, kĩ thuật nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục; đổi mới hoạt động dạy và học, hoạt động giáo dục, hoạt động quản lí trong nhà trường phổ thông, trường đại học, giáo dục nghề nghiệp;...

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đề cập tới các vấn đề thực tiễn triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, kinh nghiệm quốc tế về chính sách và thực tiễn giáo dục.

Bàn luận về tính hiệu quả của một ứng dụng nền tảng số, TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) chia sẻ tại Hội thảo: “Giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học thường là những người có năng lực chuyên môn cao. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về nghề nghiệp, họ cần tham gia một số khoá học nhằm nâng cao nghiệp vụ sư phạm. Việc tham gia khóa học sư phạm trực tuyến đồng bộ theo mô hình mở (MOOC) giúp giảng viên học tập mọi lúc, mọi nơi, tương tác trực tiếp với người dạy và các học viên khác (khắc phục được các điểm hạn chế của khóa học trực tuyến không đồng bộ). Qua ứng dụng nền tảng Google Classroom, chúng tôi nhận thấy hiệu quả ở tính phổ biến, dễ sử dụng, dễ nhân rộng”.

0123622bb8f91da744e8.jpg
GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Phó Chủ tịch Hội đồng GSNN ngành Khoa học giáo dục. Ảnh: Hồng Anh

Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS.NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc – Phó Chủ tịch Hội đồng GSNN ngành Khoa học giáo dục đánh giá: “Hội thảo là diễn đàn quan trọng để nhà khoa học, nhà quản lí công bố các nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm quản trị thực tiễn về hoạt động chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đang diễn ra gần đây. Hội thảo một lần nữa là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên và học viên tại các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu cả nước kết nối tìm các giải pháp, đổi mới nhà trường, tăng cường hiệu quả quản lí và tham vấn chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-so-trong-co-so-giao-duc-can-mang-tinh-chien-luoc-va-cai-cach-post693572.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-so-trong-co-so-giao-duc-can-mang-tinh-chien-luoc-va-cai-cach-post693572.html
Bài liên quan
Giảng viên trẻ miệt mài góp sức chuyển đổi số
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (sinh năm 1980, Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) luôn có khát vọng góp sức nhỏ của mình cho sự phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục cần mang tính chiến lược và cải cách