Chuyển đổi số trong giáo dục chưa liên thông toàn hệ thống

Anh Tú | 10/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Trước xu hướng chuyển đổi số, các trường đại học cũng nhanh chóng chuyển mình, biến thách thức thành cơ hội để phát triển.

“Để chuyển đổi số hiệu quả cần phải áp dụng đồng bộ, toàn diện nhiều giải pháp. Chuyển đổi số trong lĩnh vực GD-ĐT phải bắt đầu từ công tác dạy và học, đó là sự thay đổi về mặt nhận thức, tạo lập nên môi trường học tập số, học liệu số. Từ đó thay đổi phương pháp dạy và học, qua đó hình thành nên những học viên số và giảng viên số”, GS.TS Trần Văn Chứ nói.

Nhìn nhận việc chuyển đổi số đang mang lại những tín hiệu tích cực trong quản trị đại học tại Việt Nam, GS.TS Trần Văn Chứ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, đồng thời cũng chỉ ra một thực tế, các nền tảng số đã và đang triển khai trong nhiều trường đại học còn rời rạc, chưa liên thông trong toàn hệ thống; chưa khai thác hết những tiến bộ của công nghệ để phục vụ đào tạo. Nhiều nơi chuyển đổi số thậm chí còn chưa thực sự hỗ trợ cho công tác quản trị, quản lý và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người học…

PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học, Viện sáng tạo và chuyển đổi số, cho rằng chuyển đổi số rất quan trọng với giáo dục đại học, bởi đáp ứng nhu cầu của sinh viên thời hiện đại, duy trì và gắn kết sinh viên với giảng viên tốt hơn. Quan trọng hơn, tiến trình chuyển đổi số trong mọi hoạt động của trường đại học sẽ gia tăng cơ hội để định nghĩa lại và cải thiện thực tiễn giáo dục đại học.

Để có thể thực hiện chuyển đổi số cho giáo dục đại học thành công, theo PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh các trường phải làm tốt 5 vấn đề. Đó là nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên; Khi xây dựng tiến trình chuyển đổi và số hóa các hoạt động trong nhà trường cần phải tăng cường “Lực lượng Đặc nhiệm” về công nghệ thông tin và Kỹ thuật số (Ban chuyển đổi số của cơ sở giáo dục đại học) nhằm đưa ra chiến lược bài bản. Thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi về quản trị, các trường cần thực hiện khảo sát công nghệ mới một cách triệt để, qua đó ứng dụng, tích hợp và khai thác sức mạnh của dữ liệu số… Trên cơ sở nền tảng 4 thành tố trên, tiến tới việc chuẩn hóa và tự động hóa các quy trình trong tiến trình đổi mới.

TS Bùi Thị Huế, Trường ĐH Lao động - Xã hội thì cho rằng điều quan trọng nhất, giúp tiến trình chuyển đổi và số hóa của các trường đại học thành công chính là việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong giáo dục. Bởi chỉ khi hoàn thiện thì việc triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục mới hiệu quả. Ngoài ra, việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy học sẽ tạo cơ hội học tập bình đẳng giữa các vùng miền dù điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau.

“Để thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học), các trường đại học buộc phải hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung toàn ngành, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, học tập suốt đời, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Ngoài nền tảng cốt lõi trên, các trường cũng nên nghĩ đến việc triển khai mạng xã hội giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất; tạo môi trường số kết nối, chia sẻ giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên giảng viên, học sinh, sinh viên… Qua đó, phát triển các khóa học trực tuyến mở; triển khai hệ thống học tập trực tuyến dùng chung toàn ngành phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên, hỗ trợ dạy học cho các vùng khó khăn” – TS Bùi Thị Huế nói.

GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM, cũng nhìn nhận: “Chuyển đổi số trong giáo dục là quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống sang hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và phương thức dạy học, quản lý giáo dục, tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao. Đối với giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy học”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-chua-lien-thong-toan-he-thong-post618385.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/chuyen-doi-so-trong-giao-duc-chua-lien-thong-toan-he-thong-post618385.html
Bài liên quan
Giảng viên trẻ miệt mài góp sức chuyển đổi số
Sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Nẵng, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, Tiến sĩ Trần Hoàng Vũ (sinh năm 1980, Trưởng khoa Điện - Điện tử, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng) luôn có khát vọng góp sức nhỏ của mình cho sự phát triển của thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số trong giáo dục chưa liên thông toàn hệ thống