- Phụ nữ có nguy cơ bị đột quỵ thấp hơn so với nam giới.
- Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh.
Khi đi ngoài nắng về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột (hoặc ngược lại) sẽ rất dễ bị đột quỵ do sốc nhiệt.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức, Trưởng khoa Nội Thần kinh (một bệnh viện tại TPHCM) cho biết, trời nắng làm thân nhiệt tăng cao, cơ thể bài tiết mồ hôi nhiều hơn và gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời thì máu sẽ đặc hơn, lưu thông kém và làm tăng huyết áp.
TS.BS Đức cho biết thêm, khi đang đi ngoài nắng về nhà bật máy lạnh ở nhiệt độ thấp đột ngột (hoặc ngược lại) sẽ làm co và tăng trương lực mạch máu, khiến huyết áp cao, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. Các yếu tố này kết hợp với các bệnh nền hay các vấn đề sức khỏe (như cao cholesterol, béo phì...) làm tăng nguy cơ xuất hiện huyết khối, gây tắc nghẽn mạch máu. Khi dòng máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn sẽ tăng nguy cơ đột quỵ.
Ngoài ra, dùng rượu bia để giải khát khi nóng, tắm nước lạnh ngay sau khi đi nắng về... khiến nhiệt độ thay đổi đột ngột, cơ thể chưa kịp thích nghi, đều là những yếu tố nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ.
Với các đối tượng thường bị sốc nhiệt và đột quỵ do thời tiết nắng nóng TS.BS Đức chỉ rõ: Trẻ em, người từ 65 tuổi trở lên; người có bệnh nền hay bệnh mạn tính; người sống trong khu vực đô thị ít cây cối và bóng râm; người thường xuyên làm việc, hoạt động dưới trời nắng, nhất là vào giữa trưa; người uống không đủ nước; người có thói quen uống rượu bia hoặc hút thuốc quá nhiều... cũng có nguy cơ.
Khi bị sốc nhiệt, đột quỵ, người bệnh sẽ có những biểu hiện ban đầu điển hình như: mệt mỏi, tê yếu, mặt đỏ, môi, da khô, mạch nhanh, thở nhanh, đau đầu, chóng mặt, vã mồ hôi, hoa mắt, khó thở, thở gấp, trụy mạch, sốt cao, hôn mê...
Đáng chú ý, các biểu hiện của hai tình trạng trên tương đối giống nhau, nên có thể gây nhầm lẫn, chậm trễ cấp cứu.
Biến chứng của bệnh đột quỵ
PGS.TS.BS Nguyễn Văn Liệu (Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, đột quỵ có thể dẫn đến tử vong hoặc nếu may mắn sống sót cũng để lại nhiều biến chứng nặng nề đối với người bệnh. Tùy theo thời gian người bị đột quỵ được phát hiện, đưa vào bệnh viện và điều trị mà mức độ tổn thương hệ thần kinh sẽ khác nhau.
Khi bị đột quỵ, càng chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thì hệ thần kinh càng bị tổn hại nặng nề, gây nên hậu quả nghiêm trọng, thời gian phục hồi lâu và thậm chí là không thể phục hồi. Thông thường, phải mất ít nhất 30 ngày để người bị tai biến mạch máu não có thể phục hồi. Thậm chí, trong một số trường hợp, biến chứng có thể gây thương tổn vĩnh viễn.
Một số biến chứng thường gặp sau khi bị đột quỵ bao gồm:
- Bị liệt (1 tay, 1 tay hoặc hết tứ chi).
- Khả năng vận động yếu, khó cử động tay chân.
- Mất ngôn ngữ, nói ngọng, gặp khó khăn trong giao tiếp.
- Gặp các vấn đề thị giác.
- Các vấn đề tâm lý như trầm cảm, rối loạn cảm xúc…
- Trường hợp nặng sẽ dẫn đến tử vong hoặc sống thực vật.
Cần làm gì khi phát hiện người đang bị đột quỵ?
Hướng dẫn sơ cứu cho người bị tai biến mạch máu não:
Gọi xe cấp cứu ngay lập tức.
Tuyệt đối giữ cho bệnh nhân không bị té ngã.
Không tự ý điều trị như đánh gió, bấm huyệt, châm cứu, cho bệnh nhân uống thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào.
Theo dõi các biểu hiện của bệnh nhân như co giật, méo miệng, nôn mửa, chóng mặt, mất thăng bằng, loạn trí…
Để bảo vệ đường thở, nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng và không cho bệnh nhân ăn uống gì.
Trường hợp bị đột quỵ do sốc nhiệt cần sơ cứu và gọi cấp cứu ngay để đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Ảnh minh họa: TL
Để tránh đột quỵ do sốc nhiệt cần làm gì?
Để tránh sốc nhiệt, cần kiểm soát nhiệt độ phòng, tuyệt đối không để dưới 26-28 độ C. Khi phòng đủ mát, nâng nhiệt độ lên tối thiểu 27-28 độ C. Nếu muốn ra khỏi phòng điều hòa, nên mở cửa, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
Ngoài ra, phòng điều hòa thường kín, không thoáng khí nên dễ tích bụi, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus và nấm mốc gây bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản. Do đó, khi không bật điều hòa nên mở cửa cho không khí sạch ngoài trời vào nhà.
Để tránh thay đổi nhiệt độ quá mức, khi đi ngoài nắng về, không nên vào phòng lạnh ngay, thay vào đó cần ngồi quạt, mở cửa phòng để cơ thể mát từ từ. Kết hợp các bài tập cổ nhẹ nhàng hoặc đi lại trong phòng nhiệt độ thường trước khi bước vào phòng điều hoà.
Tương tự, nếu đang ở phòng điều hoà, không đột ngột bước ra ngoài ngay, nên tắt điều hoà 15-30 phút để cân bằng nhiệt độ trong phòng và bên ngoài.
Khi nằm trong phòng điều hoà, da, niêm mạc mũi thường xuyên bị khô nên cần thường xuyên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch nước biển sâu để làm ẩm, sạch mũi, tránh hơi lạnh lọt vào đường hô hấp gây viêm họng, viêm phổi.
Trong những ngày nắng nóng, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, bổ sung nước ngay cả khi không khát, ăn nhiều rau xanh, trái cây.
Riêng người cao tuổi, không tự đi xe máy ra ngoài đường từ 10h - 16h hàng ngày do nhiệt độ mặt đường rất cao, nguy hiểm. Nếu người trên 75 tuổi, tuyệt đối không ngồi sau xe máy trong những ngày nắng nóng, bất kể khung giờ nào.
Với những người từng bị sốc nhiệt và đột quỵ bác sĩ khuyến cáo có thể sẽ dễ tái phát do nắng nóng. Do đó, cần chủ động đề phòng bằng cách hạn chế làm việc, vận động quá sức ngoài nắng. Người ở ngoài nắng cần mặc quần áo rộng rãi, bổ sung nước đầy đủ, nghỉ giải lao phù hợp.
Khi ở ngoài nắng vào nhà, tránh vào phòng lạnh ngay lập tức vì có thể gây sốc nhiệt. Những người có nguy cơ nên tầm soát đột quỵ định kỳ, để kịp thời phát hiện các yếu tố bất thường, ngăn chặn đột quỵ xảy ra.