- Thưa ông, học sinh đến trực tiếp các trường tham quan, trải nghiệm chương trình đào tạo, cơ sở vật chất ở bậc đại học sẽ có những thuận lợi gì trong việc chọn nghề nghiệp?
- Các hoạt động tham quan, trải nghiệm trường đại học không chỉ nhằm mục tiêu quảng bá tuyển sinh, mà còn hỗ trợ học sinh thêm kiến thức trong quá trình định hướng lựa chọn nghề nghiệp, hiểu môi trường học tập, cuộc sống sinh viên.
Hiện nay, nhiều hình thức tham quan trải nghiệm dành cho học sinh như một ngày là sinh viên, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp… Những chương trình này, học sinh sẽ được tìm hiểu, trao đổi các thông tin tuyển sinh, chương trình đào tạo; tham quan trường, cơ sở vật chất, nghe trực tiếp chuyên gia của các trường đại học tư vấn hướng nghiệp.
Ví dụ: Tham quan, trải nghiệm tại Viện Sư phạm Kỹ thuật, học sinh được tham gia tour “chúng tôi là chuyên gia Công nghệ giáo dục”; thực hiện trắc nghiệm tâm lý, tư vấn về ngành học phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân; thực hành các bước trong quy trình sản xuất học liệu số trong studio E-learning của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Đặc biệt, các em được chia theo nhóm để thiết kế sản phẩm công nghệ giáo dục thông qua cách tiếp cận tư duy thiết kế; được “học” với các ứng dụng và trò chơi công nghệ giáo dục do các anh, chị sinh viên thiết kế… Đặc biệt, học sinh được gặp gỡ, trao đổi với các giảng viên, sinh viên đang học để có những lời khuyên chân thành, hữu ích trong việc lựa chọn ngành học, trường học cho mình.
- Hoạt động tham quan, trải nghiệm sẽ có những tác động tích cực thế nào trong định hướng lựa chọn nghề nghiệp của học sinh?
- Tham quan, trải nghiệm các cơ sở giáo dục đại học sẽ tác động tích cực đối với học sinh trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp. Cụ thể: Giúp học sinh hiểu rõ hơn về nghề nghiệp mà họ quan tâm. Các em có cơ hội trực tiếp quan sát, tìm hiểu rõ hơn môi trường học tập, định hướng việc làm của ngành học mình đang hướng đến.
Khám phá sở thích, kỹ năng để hiểu bản thân người học có phù hợp với nghề nghiệp đó hay không, thậm chí, còn giúp học sinh biết đến những ngành học, nghề nghiệp mà trước đó chưa có thông tin nhưng có thể lại phù hợp với sở thích, năng lực của mình.
Tham quan trải nghiệm có thể giúp học sinh thúc đẩy sự hứng thú, động lực học tập; thấy được bản thân cần học những kiến thức, kỹ năng nào để đạt được mục tiêu đó.
“Cha mẹ nên cùng con thảo luận xu hướng nghề nghiệp và cơ hội tương lai. Trong trường hợp con lựa chọn trường có mức học phí cao, hãy thảo luận với con về khả năng tài chính của gia đình, cùng nhau xác định mức hỗ trợ có thể cung cấp”, PGS.TS Lê Hiếu Học, Viện trưởng Viện Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ.