Không chỉ là nhà thơ, nhà sử học, nhà thuỷ lợi… Nguyễn Thông còn được biết đến là một nho sĩ gắn bó mật thiết với hoạt động giáo dục, khoa cử triều Nguyễn.
Nguyễn Thông (1827 - 1884) quê thôn Bình Thạnh, tổng Thạnh Hội Hạ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là xã Tầm Vu, Tây Ninh). Theo sách “Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long”, thân phụ của Nguyễn Thông là Nguyễn Hanh kết hôn cùng bà Trịnh Thị A Mầu, sinh hạ được hai con trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.
Các nguồn sử liệu cho biết, anh em Nguyễn Thông chỉ hơn kém nhau hai tuổi nên cùng học với cha ở nhà từ bé. Năm Nguyễn Thông 10 tuổi thì mẹ mất, 17 tuổi thì cha mất. Gặp cảnh khó khăn, ông phải lao động để giúp đỡ gia đình.
Nguyễn Thông rất ham học nhưng vì nhà nghèo nên hai anh em ông không có thày dạy, mà tự học cùng nhau. Đến khi Nguyễn Nhữ Hiền được bổ làm Tri phủ ở Tân An, hai anh em ông liền đến xin thọ giáo, nhưng chẳng bao lâu sau thày dạy phải trở về kinh.
Năm 22 tuổi (1849), Nguyễn Thông thi Hương đỗ Cử nhân, vào thi Hội, bài thi rất tốt nhưng vì lấm mực nên bị quan trường đánh hỏng. Đọc bài thi, thấy văn tài của Nguyễn Thông, nhiều người khuyên nên tiếp tục học để thi khoa sau. Nhưng vì nhà nghèo nên không thể tiếp tục con đường khoa cử.
Ông chấp nhận nhậm chức Huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang vào năm 1851. Sáu năm sau, ông ra Huế làm việc ở nội các, tham dự soạn sách “Nhân sự kim giám” (gương vàng soi việc người), giữ chức Hàn lâm viện tu soạn.
Ngày 17/2/1859, sau khi Pháp đánh chiếm Gia Định, triều đình Tự Đức bất lực, Nguyễn Thông đau đớn xin vào quân ngũ để có cơ hội trực tiếp đánh giặc. Ông nhanh chóng trở thành trợ thủ đắc lực, được cử làm tham mưu coi việc cơ mật của Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp.
Năm 1861, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, Nguyễn Thông được thăng từ Vệ úy lên Chưởng vệ sung chức Phó Đề đốc để hiệp thương cùng Trương Định chống giặc. Sau đó ông cùng Phan Văn Đạt hoạt động cho đến khi Phan Văn Đạt bị bắt và bị giết.
Năm 1862, triều đình Huế cắt 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, ông cùng với một số sĩ phu yêu nước đem gia đình định cư ở Phan Thiết. Kinh lược sứ Phan Thanh Giản đề cử Nguyễn Thông làm Đốc học Vĩnh Long. Thời gian này, ông cùng Phan Thanh Giản khởi xướng việc dời mộ nhà giáo dục nổi tiếng ở Lục tỉnh là Võ Trường Toản từ Chí Hòa đưa cải táng về Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre) vì lẽ đức nghiệp của ông thầy chung không thể để cho quân địch làm ô uế.
Cuối năm 1867, Nguyễn Thông giữ chức Án sát Khánh Hòa. Năm 1870, ông làm biện lý bộ hình rồi Bố chánh Quãng Ngãi, được mọi người kính yêu coi như là vị cứu tinh khi lên tiếng bảo vệ dân trong vụ quyên tiền mua phẩm tước ở Quãng Ngãi năm 1872. Sau khi nghiên cứu kỹ đầu đuôi vụ án, ông tuyên bố: “Trong vụ này chỉ có vua và quan là nói dối dân, chớ dân không nói dối ai”.
Nguyễn Thông đã tích cực thi hành những biện pháp để bài trừ nạn tham ô, hà hiếp dân chúng của bọn cường hào ác bá địa phương. Việc làm này của ông đụng chạm tới quyền lợi của một số đại thần trong triều, vì vậy không lâu sau ông bị cách chức, tống giam và bị xử trượng, sau nhờ dân chúng kêu oan tới vua, mới được giải tội.
Năm 1876, Nguyễn Thông về Huế giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Giới nghiên cứu đánh giá, trong vòng 35 năm làm quan thì Nguyễn Thông đã có đến gần 30 năm giữ chức học quan, trực tiếp làm công tác giáo dục. Từ khi chính thức bước vào chính trường năm 23 tuổi thì cũng là lúc ông chính thức bắt tay vào công việc giáo dục với chân Huấn đạo Phú Phong - An Giang, coi việc học của một huyện (1851).
Rồi Đốc học, coi việc học ở một tỉnh, hai lần làm ở Vĩnh Long (1862) và Bình Thuận (1881). Lại một lần giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám – đảm đương việc học của tổ chức cao nhất và duy nhất lúc bấy giờ. Ấy là chưa kể đến lần ông làm khảo quan trường thi Thừa Thiên - Huế (1870) là trường trọng điểm nổi bật nhất của kỳ thi Hương trong cả nước lúc bấy giờ.
Gần như trong toàn bộ hệ thống giáo dục thời Nguyễn, Nguyễn Thông đều tham gia hoạt động mà ở đâu cũng đóng góp xuất sắc. Đầu tiên là sự tín nhiệm của giới trí thức đương thời đối với ông trong việc dời mộ Võ Trường Toản - ông thầy chung của cả Nam Kỳ lục tỉnh. Đây dù là việc chung của giới sĩ phu Nam Kỳ, nhưng người đứng đầu công việc ấy lại là Nguyễn Thông.
Chính Phan Thanh Giản có thuật lại rằng: “Chúng tôi bàn cùng quan đốc học Vĩnh Long là Nguyễn Thông hiệp với thân sĩ bàn việc thiên di… rồi mọi người đồng thanh cử quan học chánh Nguyễn Thông đứng làm chủ tang”. Công việc trên có tác dụng lớn lao đối với người sống đặc biệt là lớp trẻ học trò, ông thật sự là con người của giáo dục.
Khi làm đốc học Vĩnh Long, ông đã tích cực xây dựng Văn Thánh miếu Vĩnh Long, cạnh đó dựng lầu Tụy Văn làm nơi chứa sách và học tập. Cho đến khi được thăng làm Hàn lâm viện tu soạn, tham dự biên soạn quyển “Nhân sự kinh giám” (gương vàng soi việc người) mà ngay tựa đề đã nêu rõ mục đích giáo dục.
Năm 1876, vua Tự Đức giao Nguyễn Thông và Hoàng Dụng Tân khảo duyệt bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”. Đọc xong bản thảo, Nguyễn Thông đã viết tất cả các nhận xét của mình trong một quyển sách lớn mang tên “Việt sử thông giám khảo lược” gồm 7 quyển nhỏ.
Hai quyển đầu viết những nhận xét về lịch sử, năm quyển sau viết những nhận xét về địa lý lịch sử. Đặc biệt, ông đã viết về đảo Hoàng Sa - gọi Hoàng Sa là vạn lý trường sa. Ông viết: “Vạn lý trường sa thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi. Đi thuyền theo hướng Đông chạy ra chỉ 3 ngày đêm là đến nơi. Nước Đại Việt Nam từ xưa thường chọn người đinh tráng ở hai hộ An Hải và An Vĩnh Đạt làm đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng 2 ra đi, tháng 8 trở về”.
Nguyễn Thông nêu lên 167 điểm phải sửa chữa. Từ việc Thường Thi dâng chim trĩ trắng cho vua nhà Chu (1110) cho đến tục xăm mình được ghi trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, đã cho thấy dù chỉ là một Cử nhân nhưng Nguyễn Thông am hiểu lịch sử các nước Đông Nam Á đến độ sâu sắc.
Các ý kiến của ông đều có tài liệu cơ sở rõ ràng. Quan điểm lịch sử của ông là quan điểm của nhà trí thức yêu nước, trọng sự thật và lẽ phải. Ông muốn nhà viết sử phải viết những gì ích nước lợi dân, tránh những điều mê tín dị đoan có thể làm mê hoặc dân chúng.
Ông là một trong những người nhìn thấy tác dụng to lớn của thủy lợi đối với nông nghiệp. Trong “Ngọa du sào văn tập”, bài tựa quyển sách về thủy lợi ở Nghĩa Châu có những câu: “Cái việc giống như vụ khoát mà thực là cần thiết, giống như thư thả mà thực là cấp bách, ấy là thủy lợi…”.
Năm 1871, ông được cử đi chỉ huy công việc đào kênh Vĩnh Lợi. Năm 1872, kênh làm xong đem lại nước cho dân giữa lúc trời nắng hạn mang lại rất nhiều lợi ích cho dân. Thời gian ở Quãng Ngãi, Nguyễn Thông còn đắp đập Đinh Gia ở huyện Bình Sơn. Sau 4 tháng lao động đập Đinh Gia hoàn thành, ông đã nói lợi ích của nó trong “Ngọa du sào văn tập” rằng: “Cuối Thu sang Đông nước mưa trên núi đổ về, không chỗ nào bị xoáy, lở, úng, tắc, có đủ nước tưới ruộng cho cả ba thôn. Ngoài ra còn có các thứ củ ấu và các loại sò ốc, cá, tôm. Dân sở tại thu lợi khá nhiều”.
Nguyễn Thông muốn trồng cây ở tất cả những nơi có thể trồng được. Ông đã dâng sớ lên triều đình nói rõ tình hình, nguyên nhân trồng cây thất bại. Ông đưa ra kế hoạch trồng cây ở hai bên đường, trong thôn xóm rồi giao trách nhiệm cho những người có điều kiện làm được.
Theo PGS.TS Lê Văn Tấn - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, Nguyễn Thông đã xác lập tư thế một nhà Nho hành đạo trong thời đại mới. Nếu nhà Nho hành đạo trước đó theo đuổi, gắn bó với sự nghiệp khoa cử với khát vọng kinh bang tế thế, thì đến giai đoạn này Nho giáo không đảm nhiệm được sứ mạng khiến các nhà Nho buộc phải có sự lựa chọn cho riêng mình. Con đường mà Nguyễn Thông chọn là con đường yêu nước, thương dân, mong muốn cho quốc gia phồn thịnh.
Cách đây hơn 100 năm, Nguyễn Thông đã nhìn thấy được kho tài nguyên phong phú của vùng Tây Nguyên và đưa ra kế hoạch khai thác với quy mô lớn. Trong “Ngọa du sào văn tập”, ông gọi là miền sơn quốc, ông viết: “Về mặt Đông Nam thì vùng ấy giáp với các tỉnh ở phía Nam kinh thành Huế ở nước ta, không có bải xa truông rậm nguy hiểm, không bị đầm lớn sông dài ngăn cách. Từ xưa tới nay, địa giới hoang vu, trời đất đang dành cho ta một kho tàng vô tận…”.
Nhưng rất tiếc ý nguyện của ông không thành bởi áp lực của thực dân Pháp nên triều đình đã hủy bỏ mặc dù trước đó đã chấp nhận kế hoạch khai thác lớn của ông nhằm làm giàu cho đất nước. Năm 1877, ông được cử về Bình Thuận giữ chức Doanh điền sứ. Đến năm 1880, Nguyễn Thông được cử làm Phó sứ điền nông kiêm đốc học Bình Thuận.
Năm 1883, khi ra Huế thọ tang Tự Đức rồi trở về ngày 7/7 năm Giáp Thìn tức ngày 27/8/1884, Nguyễn Thông đau nặng rồi mất giữa sự thương tiếc của gia đình và nhân dân miền Nam. Ông hưởng thọ 57 tuổi.
Trước tác Nguyễn Thông hiện còn 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần; và có khoảng 200 đầu sách nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của ông. Tiêu biểu có: “Ngọa Du Sào thi tập”, “Ngọa Du sào văn tập”, “Kỳ xuyên công độc văn sao”, “Việt sử cương giám khảo lược”, “Nhân sự kim giám”…
Thơ văn Nguyễn Thông có nội dung khá phong phú, trong đó một số lượng đáng kể ông dành cho việc tỏ bày, thể hiện nỗi xót xa, đau đớn khi chứng kiến cảnh khói lửa của quê hương trong cuộc đối đầu không cân sức giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Vì nạn ngoại xâm cộng thêm thiên tai mất mùa triền miên, sưu cao thuế nặng, cường hào ác bá áp bức nên người nông dân nhiều nơi ly tán, loạn lạc, đói rách… Lời thơ của ông vì lẽ đó mà được viết ra với một nỗi đồng cảm chia sẻ hết sức sâu sắc: “Ngóng về nơi sực mùi máu chiến tranh phía trời Nam/ Mười năm mơ được quay đầu ngựa về hướng Mai Đình/ Nào hay ngay chốn xa xôi mưa Mường khói Mán/ Cũng vẫn có mặt vị khách tinh lưu lạc giang hồ”.
Trong cảnh nước mất nhà tan, quê hương ly biệt, Nguyễn Thông nhiều lần nói đến nơi chôn nhau cắt rốn: “Xuống thuyền ruột rối tơ vò/ Giương buồm xẻ hướng đôi bờ mà đi/ Cuối Thu gió lạnh thổi về/ Thương thay chiếc lá tách lìa cành xưa” (Kỳ Xuyên thi sao). Nỗi nhớ nhung càng da diết đối với quê hương xứ sở, tình hoài càng đậm đà sâu sắc: “Bỏ nước Đô Lăng trào nước mắt/ Xa nhà Vương Xáng nặng lòng quê”.
Ông thương xót dân nghèo bao nhiêu thì cũng căm ghét lũ quan lại tham ô bấy nhiêu. Ông đã gửi gắm trong bài “Phú nghĩa trủng”: “Kìa xương khô mà còn thu lượm/ Sao kẻ sống lại bị bỏ rơi/ Lũ quan lại tha hồ tàn bạo/ Để béo mình hút hết máu người/ Tay đưa thoi mà thân rét cóng/ Chân đi bừa mà bụng đói hoài/ Tuy hơi thở vẫn còn thoi thóp/ Mà khác nào đã xuống tuyền đài”.
“Nguyễn Thông là một nhà trí thức yêu nước, nhà văn hóa lớn tiêu biểu của Nam Bộ nửa cuối thế kỷ 19. Tài năng và nhân cách của ông là một tấm gương sáng về hình ảnh một trí thức chân chính, một con người mà cuộc đời từng trải qua nhiều cay đắng song luôn giữ trọn lòng trung hiếu, sắt son luôn hướng về đất nước và người dân" - PGS.TS Lê Văn Tấn - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.