Khác quê, khác họ, đỗ đạt cũng khác khoa, nhưng Văn Đức Giai và Lê Đình Diên được xem là hai vị Tiến sĩ triều Nguyễn có nhiều nét tương đồng: Khí phách, yêu nước.
Văn Đức Giai (sinh năm 1807) đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Giáp Thìn (1844); Lê Đình Diên (sinh năm 1824) đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Kỷ Dậu (1849). Cả hai phụng sự và trở thành bậc đại quan dưới triều nhà Nguyễn, đặc biệt cùng trải qua khoảng thời gian dài trực tiếp góp sức vào công cuộc chấn hưng giáo dục, đào tạo và tuyển chọn nhân tài cho đất nước.
Văn Đức Giai người xã Phù Hậu nay là xã Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An). Ông sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nền nếp, có người cha hay chữ làm chức tri huyện. Từ khi Văn Đức Giai còn nhỏ, người cha đã từ quan về quê kèm cặp con học hành.
Các tư liệu dòng họ Văn cho biết, năm Quý Mùi (1823) khi người cha qua đời, Văn Đức Giai đã học gần hết Tứ thư, Ngũ kinh. Mồ côi cha, là con trai độc nhất trong gia đình nên Văn Đức Giai phải tìm nơi dạy học để kiếm tiền nuôi mẹ. Bà mẹ thấy con sáng dạ, có ý chí nên gửi đến học thầy Hồ Đức Cảnh và Dương Doãn Nguyên, cho con kết giao với những sĩ nhân nổi tiếng lúc bấy giờ, như: Hồ Sĩ Đề, Phạm Đình Trọng, Hồ Sĩ Lâm, Phan Hữu Tĩnh...
Nhờ tinh thần hiếu học, lại được mở mang tri thức bởi những người bạn tốt nên chẳng mấy chốc Văn Đức Giai đã có những tiến bộ vượt bậc “nghĩa lý nhiều chỗ phát minh, văn minh tỏ ra tài giỏi”. Năm Mậu Thân (1828), Văn Đức Giai đi thi Hương đỗ Tú tài.
Sau khi đỗ Tú tài, Văn Đức Giai vẫn theo nghề dạy học và nổi tiếng khắp vùng Nghệ An, Thanh Hóa… khiến nhiều người tìm đến xin học. Sau 15 năm đỗ Tú tài, năm 1843 Văn Đức Giai đỗ Cử nhân. Năm sau, ông tham gia ứng thí đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị 4 (1844), khi ấy đã 38 tuổi.
Theo quy định, sau khi đỗ Tiến sĩ, tân khoa sẽ vinh quy bái tổ chờ triều đình bổ chức quan. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh mẹ già đau ốm nên Văn Đức Giai không ra làm quan, mà xin được ở nhà dạy học để tiện việc phụng dưỡng. Trong suốt 10 năm ròng vừa dạy học vừa chăm sóc mẹ, Văn Đức Giai đã thể hiện là một vị Tiến sĩ hiếu thảo. Sau khi mẹ ông qua đời, ông ở thêm 3 năm cư tang.
Tròn 50 tuổi, Văn Đức Giai bắt đầu xuất chính làm quan. Năm Bính Thìn (1856), ông nhận chức Đốc học 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Sau một thời gian, ông về kinh giữ chức Ngự sử. Cả hai chức vụ đó dưới thời phong kiến đều đòi hỏi không chỉ có tài thực học mà còn cả đạo cao, đức trọng, được trò phục, đồng liêu trân trọng và vua yêu.
Năm 1861 đời vua Tự Đức, Nam Kỳ bị quân Pháp xâm chiếm, Văn Đức Giai vào quân thứ Gia Định, rồi nhận lệnh đi chiêu mộ quân nghĩa dũng. Sau đó, ông lần lượt được giữ các chức: Lang trung bộ Binh, Tán tương quân vụ sung hàm Hồng lô tự khanh, Tuyên phủ sứ Phú Yên, Biện lý bộ Hình.
Năm Quý Hợi (1863), quân của Tạ Văn Phụng hoành hành đánh phá ở Hải An (hay Hải Yên, gồm Hải Dương và Quảng Yên), ông được cử làm Tán lý quân vụ để cùng với Trương Quốc Dụng đi bình định.
Tháng 6 (âm lịch) năm 1864, đạo quân thứ Hải Yên đánh nhau với quân Tạ Văn Phụng tại La Khê (nay thuộc xã Tiền An, Yên Hưng, Quảng Ninh). Quan quân nhà Nguyễn thất thế, bị quân thủy bộ của đối phương vây kín. Hiệp thống Trương Quốc Dụng, Tán tương Trần Huy San và Văn Đức Giai đều tử trận.
Cũng có thuyết cho rằng, sau khi chủ tướng Trương Quốc Dụng hi sinh, Văn Đức Giai đã xua quân phản công báo thù, nhưng vì thế yếu nên quân nhà Nguyễn bại trận, Văn Đức Giai bèn tử tiết ở tuổi 57, được truy tặng chức Bố chính sứ. Vua Tự Đức nghe tin Văn Đức Giai tử trận, bèn đổi tên cho ông từ Văn Đức Giai thành Văn Đức Khuê - ý muốn khen cận thần Văn Đức Giai là viên ngọc quý, là người tài giỏi chói sáng như sao Khuê.
Sau khi tử trận, người dân đã lập đền Quan Đại tại xóm Chùa, (La Khê, Tiền An, Quảng Yên, Quảng Ninh) để thờ Văn Đức Giai và Trương Quốc Dụng.
Một vị Tiến sĩ triều Nguyễn nổi tiếng không kém Văn Đức Giai là Lê Đình Diên, người thôn Hạ Đình, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay là phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Ông từng theo học thầy Vũ Tông Phan, thi đỗ Cử nhân năm Mậu Tuất niên hiệu Tự Đức năm thứ nhất (1848), đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Dậu, niên hiệu Tự Đức thứ hai (1849).
Sau khi đỗ đạt, Lê Đình Diên được triều đình bổ làm Tri phủ Long An nhưng khi vào đến nơi thì đúng lúc địa phương đang có dịch đậu mùa. Ông bị nhiễm bệnh rất nặng, sau khi điều trị, ông xin về quê.
Sau đó, ông được bổ vào ngạch học quan, làm Giáo thụ ở các phủ rồi Đốc học Nghệ An, Đốc học Hà Nội, rất được sĩ phu nể trọng. Ông có nhiều học trò thành danh, như Hoàng giáp Nguyễn Thượng Phiên - thân phụ nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền. Năm 1870, ông được triệu vào Huế làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám nhưng ông cáo bệnh không đi và xin nghỉ hưu. Sau đó, ông mở trường dạy học tại ngôi nhà 39, phố Hàng Đậu.
Theo tài liệu nghiên cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc: “Trường của ông có nhiều tên: Trường cụ Đốc Mọc, trường Cúc Hiên, trường Nghĩa Lập; là một trường đại tập, tức dạy những học sinh đi thi Hương, tức học sinh đã lớn, đã qua chín, mười năm đèn sách. Không chỉ học sinh tỉnh Hà Nội mà học sinh ở các tỉnh khác, trong đó có cả học sinh xứ Thanh - Nghệ cũng ra xin học”.
Lê Đình Diên đã tập hợp các bài văn mà ông cho là hay để làm mẫu cho các lứa học sinh trong tập “Cúc Hiên biểu tuyển” (gồm 35 bài biểu của học sinh có lời bình của thầy), “Cúc Hiên chiếu tuyển” (gồm những bài chiếu). Lê Đình Diên cũng biên soạn “Cúc Hiên tứ lục” gồm 81 bài chiếu biểu, văn sách làm theo thể tứ lục (từng vế 4 chữ, 6 chữ đối nhau) cho học trò học.
Dù từ bỏ quan trường, về quê làm thầy dạy học nhưng tư tưởng và việc làm của Hoàng giáp Lê Đình Diên luôn thống nhất trước sau như một, giữ đúng tư tưởng nhà nho, người yêu nước. Sách “Đại Nam thực lục” của nhà Nguyễn có hai lần nhắc về ông, trong đó có đoạn chép việc ông bị bọn Đồ Phổ Nghĩa (Jean Duipus) hành hung:
“Quan Viện Cơ mật tâu với vua (Tự Đức): Đoàn thuyền của Đồ Phổ Nghĩa từ mùa Đông năm ngoái đột nhập tỉnh Hà Nội, mượn cớ vận tải súng đạn sang Vân Nam, ngang ngược làm càn, đánh nguyên Đốc học Lê Đình Diên bị thương, bắn chết lý trưởng xã Kim Liên, ngầm chở muối gạo cho bọn phỉ Hoàng Sùng Anh”.
Lúc bấy giờ, Pháp cử Jean Duipus (sử cũ phiên là Đồ Phổ Nghĩa) thám hiểm sông Hồng vừa để buôn bán vũ khí sang Vân Nam (Trung Quốc), đồng thời cũng là một cái cớ sâu xa khác để sau Pháp đưa Garnier ra chiếm Bắc Kỳ. Đoàn thuyền của Duipus rất ngang ngược và tỏ thái độ khiêu khích. Chúng vừa bán hàng cho bọn quân phiệt tỉnh Vân Nam, vừa bán gạo muối cho bọn phỉ cờ trắng Hoàng Sùng Anh, lại mộ thêm một số thổ phỉ rồi kéo trở về Hà Nội.
Triều đình Huế phải cử Nguyễn Tri Phương ra trấn áp nhưng không làm gì được, thậm chí Duipus còn cho lính tràn lên bờ, vào các phố xá, khiêu khích, bắt một số người xuống tàu làm con tin.
Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, ngày 20/6/1873 “nguyên Đốc học Hà Nội là Lê Đình Diên, nhà ở cửa ô Nghĩa Lập (nay là phố Hàng Đậu, số nhà 39) có việc đi lên Thụy Khuê. Ngồi trên võng, khi qua Chính Bắc Môn (nay là Cửa Bắc ở trên đường Phan Đình Phùng), ông thấy có hai tên Pháp người của Dupuis và một tay sai người Việt đang đi lại xem xét cửa thành. Chúng còn rút dây ra đo đạc.
Lê Đình Diên thấy hành động phi pháp (vì người thường không được đo đạc thành trì) của ba tên đó, liền cho người ra nói với tên tay sai người Việt về hành động phi pháp của chúng. Tên này thông ngôn lại cho hai tên Pháp nghe và thế là cả bọn xông vào hành hung ông nguyên Đốc học. Mấy người khiêng võng vừa xúm vào gỡ cho chủ, vừa kêu cứu. Dân đổ xô tới. Ba tên bỏ chạy sau khi bắn vài phát súng chỉ thiên.
Lê Đình Diên được võng về nhà, thuốc thang chạy chữa. Và thế là ngay sau đó, các trai trẻ Hà Nội được Cử nhân Ngô Văn Dạng tập hợp thành đội nghĩa sĩ trên 300 người. Họ kéo ra bờ sông chặn đánh bọn Dupuis. Khí thế của nghĩa sĩ ngút trời khiến lũ giặc phải co cụm dưới thuyền. Chỉ hai tháng sau, khi Pháp cử Garnier ra Bắc tiếp tay thì chúng mới ho he khiêu khích trở lại”.
Trong nhiều năm làm Đốc học và dạy học, Lê Đình Diên có hơn 3.000 học trò, trong đó có rất nhiều trò thành đạt và được ghi trong sách Các nhà khoa bảng Việt Nam. Vì thế, khi Lê Đình Diên mất, đám tang của ông rất lớn, ngoài học trò còn có rất nhiều văn hữu, thi hữu, thân sĩ đến viếng, người đi đầu đám tang đến làng Hạ Đình thì người đi cuối vẫn còn ở thành Hà Nội.
Chi phí tổ chức đám tang lớn đến nỗi tang gia phải bán nhà ở (bên cạnh trường học) để trang trải rồi dọn về ở trong trường học. Để tạ ơn thầy, các trò đã chung nhau tiền xây lại trường Cúc Hiên. Trường xây bằng gạch, lợp ngói thay vì nhà gỗ lợp lá như ban đầu.
Di sản Lê Đình Diên để lại không chỉ là các tập văn mẫu còn lưu trong Viện Hán Nôm mà còn có các tác phẩm như: “Cúc Hiên thi tập”, “Cúc Hiên văn tập”... Bút tích của ông còn để lại trong văn bia do ông soạn ở đền Tiên Thị (đền Lý Quốc Sư, tức chùa Lý Triều Quốc Sư, phố Lý Quốc Sư ngày nay) vào năm 1855, nhân dịp đền được trùng tu.
Trong các câu thơ, văn của mình, ông luôn thể hiện tấm lòng trọng lễ nghĩa và yêu mến đất nước, quê hương. Đặc biệt, trong suốt sự nghiệp “trồng người” của mình, ông luôn là tấm gương sáng về tài và đức để các thế hệ học trò noi theo.
Lê Đình Diên là người yêu hoa cúc, dưới hiên sau cửa đầy hoa cúc, trường của ông cũng được gọi là trường Cúc Hiên, vì sự hiện diện của hoa cúc, bởi vậy ông lấy hiệu là Cúc Hiên. Đương thời, ông có bài từ “Tứ nãi” (Bốn lại) với nội dung coi trọng cuộc sống bình dị và thú đọc sách cao sang. Bản dịch bài “Tứ nãi” như sau:
“Người đều đánh cá biển khơi/ Ta lại đánh cả ở nơi núi rừng./ Nơi núi rừng vốn không có cá/ Núi quanh co như thể sóng dồn./ Người đều kiếm củi đầu non/ Ta lại kiếm mãi ở mom biển ngoài./ Ngoài biển cả khảo ai ra củi?/ Chỉ nhấp nhô sóng đuổi núi cao./ Người đều cày ruộng bằng trâu/ Ta lại đem bút thay trâu mà cày./ Cày bút vắng tiếng trâu hì hục/ Chữ từng hàng gấm vóc nở hoa.../ Người đều miệng đọc ngâm nga/ Ta nay tâm đọc lại là phần hơn./ Tâm đọc sách không vang thành tiếng/ Mà thiên kinh vạn quyển đều trơn/ Thanh cần, tâm đắc là hơn...”.
Không chỉ truyền dạy văn học chữ nghĩa, Hoàng giáp Lê Đình Diên đặc biệt chú tâm đến việc dạy học trò đạo làm người. Ông thích nhất câu “Quân tử thành nhân chi mỹ” (người quân tử lấy việc làm thành toàn cho người, làm đẹp) nhưng ông thu gọn câu này thành “quân tử thành mỹ” và cho khắc trước cổng trường Cúc Hiên. Vì thế, ông Vũ Nhự - học trò của Lê Đình Diên đỗ Tiến sĩ và sau này làm Đốc học Hà Nội đã tặng thầy một bức hoành có 4 chữ này.