Cụ thể: Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải (khoản 2, điều 14, Luật giao thông đường bộ).
Khi vượt, các xe phải vượt về bên trái, trừ các trường hợp sau đây thì được phép vượt bên phải: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Xe không được vượt khi không bảo đảm các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 14, Luật giao thông đường bộ; Trên cầu hẹp có một làn xe; Đường vòng, đầu dốc và các vị trí có tầm nhìn hạn chế…
Về xử phạt, luật sư Kiên cho biết Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng đối với người điều khiển xe ô tô vượt xe trong những trường hợp không được vượt. Với hành vi vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông, tài xế điều khiển ô tô sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2-4 tháng.
Về hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy, Luật sư Kiên cho biết: Tài xế điều khiển phương tiện giao thông gây ra vụ tai nạn hoặc có liên quan tới vụ tai nạn nhưng không dừng lại, bỏ trốn có thể bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự.
Cụ thể, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định, người điều khiển xe ô tô nếu gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn, sẽ bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 5 đến 7 tháng.
Về xử lý hình sự, Trưởng Văn phòng luật sư Ánh sáng Công lý cho biết tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (điều 132, Bộ luật Hình sự) có hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm, khung cao nhất là 3-7 năm tùy theo mức độ, tính chất của hành vi phạm tội.
“Khoản 1, điều 132, Bộ luật Hình sự nêu rõ, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.”- luật sư Kiên nói.
Luật sư Lê Văn Kiên cho biết thêm, trong trường hợp gây tai nạn bỏ chạy, ngoài việc bị xem xét xử lý hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm, tài xế còn đối mặt với nguy cơ xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Người phạm tội này nhẹ nhất sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Mức phạt tù có thể tăng lên 15 năm tù giam tùy vào trường hợp phạm tội của tài xế.