“Cô gái mở đường” bị biến tấu: Vỗ tay khen cái… dở!

T. Hoà | 02/12/2021, 09:08
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

“Cô gái mở đường” – một ca khúc ý nghĩa dành tặng các cô gái Việt Nam trong thời kháng chiến gian khổ, được biến tấu với lối ăn mặc hở hang.

Điều đáng ngạc nhiên, trong khi công chúng thấy chướng tai gai mắt thì giám khảo, huấn luyện viên vốn là những nghệ sĩ có tiếng lại vỗ tay khen hay. Sự việc kệch cỡm trong hoạt động sáng tác và biểu diễn này đã và đang gây tranh luận khá sôi nổi trong giới âm nhạc.

Ca khúc “Cô gái mở đường” - tác phẩm âm nhạc cách mạng ca ngợi sự hi sinh quên mình của những cô gái thanh niên xung phong năm xưa, được biến tấu phối lại với nhạc điện tử, thay đổi phần lời và thêm rap. Ca sĩ biểu diễn là Han Sara trong bộ trang phục khá ngắn cùng vũ đoàn với các cô gái mặc quần đùi trắng có kích cỡ nhạy cảm.

bien-tau-co-gai-mo-duong.jpg
Han Sara bị chỉ trích vì ăn mặc không phù hợp khi biểu diễn ca khúc biến tấu "Cô gái mở đường".

Tiết mục xuất hiện trong chương trình The Heroes, ngay sau đó đã gây ra phản ứng. Khán giả chê trách ca sĩ, nhưng đặc biệt chú ý đến ê-kíp chương trình vì không tôn trọng các giá trị văn hoá – lịch sử của dân tộc.

Đoạn rap của nữ ca sĩ cụ thể: “Nữ nhân hào khí ngút trời/ Mẫu Âu Cơ vạn tuế/ Hai Bà Trưng xưng vương một thời còn Hồ Xuân Hương lưu danh hậu thế/ Đàn ông dù có là ai cũng được sinh ra từ một người phụ nữ/ Chị em chúng tôi là một cuốn từ điển còn các anh luôn phải tìm từng chữ”.

Dù giải thích là truyền tải tinh thần nữ quyền của những cô gái thế hệ mới. Tuy nhiên, với một ca khúc trang nghiêm thì sự biến tấu vô duyên cùng lối ăn mặc biểu diễn hở hang đã phá nát “Cô gái mở đường”.

Ca sĩ Han Sara, đại diện ê kíp cũng như nhà sản xuất chương trình đã lên tiếng xin lỗi. Đồng thời, video phần trình diễn này trên YouTube, TikTok cũng như nhiều nền tảng mạng xã hội khác đã được gỡ bỏ.

Mỗi phần thi của thí sinh trong chương trình The Heroes đều có sự hỗ trợ, tư vấn từ những nhạc sĩ kinh nghiệm như Hồ Hoài Anh, Lưu Thiên Hương. Và Han Sara được nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn.

Khi theo dõi Han Sara biểu diễn tiết mục gây tranh luận này, Nguyễn Hải Phong cùng các master và giám khảo khách mời còn nhún nhảy theo tiết mục. Họ vỗ tay khen hay và sáng tạo.

Việc chê bai cái đẹp không phải quá hiếm, khi các giá trị thẩm mỹ đang có vấn đề. Nhưng việc vỗ tay khen cái dở là hay thì phản ánh một vấn đề đặc biệt – lệch lạc về nhận thức, mà ở đây là nhận thức về văn hoá và giá trị lịch sử.

Biến tấu ca khúc không phải hiện tượng mới, cũng không phạm pháp. Khi biến tấu, không được lấy tên của tác phẩm cũng như đề tên tác giả của bản gốc, mà phải ghi rõ tác phẩm biến tấu. Tuy nhiên, với tiết mục của San Sara thì sự biến tấu đã khiến cái cao cả thành cái tầm thường, nhố nhăng.

Văn hoá được hình thành từ cuộc sống, từ những chi tiết rất nhỏ, và nghệ sĩ có sứ mệnh lan toả các giá trị đó. Thế nhưng, các nghệ sĩ trong ê-kíp chương trình không chỉ phá nát giá trị cao cả, mà còn tiếp tay cho thái độ văn hoá kệch cỡm.

Bài liên quan
Nhà giáo Lê Thống Nhất ra mắt ca khúc "Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng"
Nhà giáo Lê Thống Nhất vừa ra mắt ca khúc "Việt Nam ơi! Tiếng gọi thiêng liêng" với mong muốn đem lại tinh thần lạc quan, niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cô gái mở đường” bị biến tấu: Vỗ tay khen cái… dở!