Cô Đặng Thị Ngọc Hà trong giờ giảng bài. |
“Cô Ngọc Hà rất quan tâm, định hướng học sinh thi đỗ các trường chuyên, chuyên văn của các trường. Gần như năm nào, lớp cô chủ nhiệm cũng đạt 100% học sinh đỗ vào trường công lập. Nhiều thế hệ học trò trưởng thành, đã đi làm, thậm chí là cán bộ ngoại giao đi nhiệm kỳ các nước vẫn nhớ tới cô Hà”, cô hiệu trưởng nói.
Trong dạy học, cô Hà đã áp dụng công nghệ thông tin trong môn học.Theo đó, để bài giảng sinh động, cuốn hút học trò, cô dùng Power Point trình chiếu bài giảng, dùng phần mềm như Canvas, Padlet để làm cho các tác phẩm sinh động hơn. Tuy vậy, cô cho rằng vai trò giáo viên, phấn trắng, bảng đen “không thể bỏ qua được”. Với nhiều tác phẩm cần sinh động, cô Hà sẽ gợi ý học trò sân khấu hoá tác phẩm hoặc quay clip thực tế để tạo hứng khởi cho tiết học.
“Dù chuyển đổi số thế nào thì vai trò thầy cô với phấn trắng bảng đen không hề lu mờ. Phần mềm hỗ trợ, giúp bài giảng nhiều màu sắc, gần gũi hơn với học trò còn nội dung trên bảng mới là chính để các em nắm rõ nội dung bài học”, cô Hà nêu quan điểm.
Em Phùng Dương Bảo Linh, lớp 9A4, THCS Thăng Long, chia sẻ bản thân cũng lo lắng trước kỳ thi quan trọng nhất của cuộc đời. Đặc biệt là với môn văn, Linh cho rằng đây là môn khó, đòi hỏi tâm huyết, dành thời gian để đạt điểm tốt, nhất là khi em tính thi chuyên Anh, chuyên Sử của THPT Chu Văn An hoặc THPT Kim Liên
“Còn mấy tháng ôn thi, em nghĩ ai cũng tập trung, không được lơ là, tăng cường học thêm và tranh thủ hỏi thầy cô để nắm chắc lại kiến thức. Em hi vọng thi đỗ trường THPT Chu Văn An...”, Linh chia sẻ.
Theo Bảo Linh, cách truyền tải văn của cô Ngọc Hà khá dễ hiểu và truyền cảm. Khi nghe giảng, em cảm nhận được giá trị từng văn bản, kiến thức tiếng Việt vì những ví dụ, câu chuyện gần gũi.
Học sinh trường THCS Thăng Long trong giờ Văn của cô Đặng Thị Ngọc Hà. |
Sắp tới kỳ thi vào THPT của các em học sinh lớp 9, cô Hà khuyên các bạn nên hình dung 62% học sinh vào công lập, 38% còn lại vào trường dân lập. Như vậy, các em cần định hướng rõ ràng học thế nào, nghề nghiệp tương lai ra sao để chọn lộ trình đúng. “Các bạn nên ôn tập theo từng giai đoạn, theo mảng chủ đề của kiến thức cụ thể từ thời điểm này đến khi kết thúc năm học. Dễ làm trước, khó luyện sau. Duy trì kế hoạch cụ thể kết hợp thi khảo sát để giành kết quả cao nhất” cô Hà chia sẻ.
Không chỉ làm tốt chuyên môn, dịch COVID-19 vừa qua, cô Ngọc Hà còn cùng một số giáo viên Hà Nội tham gia chương trình “Một triệu bữa cơm” chia sẻ với người lao động nghèo cách ly trên địa bàn Hà Nội.