Cô giáo trẻ nguyện gắn bó cuộc đời với giáo dục miền núi

Nguyễn Dịu | 22/03/2022, 06:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cô Lài Thị Ngọc (giáo viên Trường Mầm non Thương Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) luôn phấn đấu học tập và nuôi dưỡng ước mơ thành cô giáo.

Học sinh Trường Mầm non Thượng Yên Công vừa học, vừa chơi trong không gian vui tươiHọc sinh Trường Mầm non Thượng Yên Công vừa học, vừa chơi trong không gian vui tươi

Nỗ lực vượt khó nuôi ước mơ thành cô giáo

16 năm công tác trong ngành giáo dục TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, cô Lài Thị Ngọc có nhiều cống hiến cho sự nghiệp, được đồng nghiệp trân trọng, phụ huynh học sinh tin yêu.

Kể về "duyên- nghiệp" với nghề, cô Ngọc nhớ lại: " Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, có tám anh chị em. Gia đình tôi quê ở Xã Hoành Mô, Huyện Bình Liêu, Tỉnh Quảng Ninh. Tôi nghe Bố tôi kể lại vào những năm thống nhất đất nước, vùng quê gia đình tôi sinh sống kinh tế rất khó khăn.

Ở vùng núi cao giao thông không thuận tiện, trường học thì ở xa nhà, bố tôi không khỏi băn khoăn, suy nghĩ làm thế nào để các con được học cái chữ, để cuộc sống thoát khỏi cái nghèo đeo bám. Và cuối cùng gia đình tôi quyết định chuyển về vùng đất Uông Bí sinh sống. Cũng từ đó, Thượng Yên Công trở thành quê hương thứ 2, nơi đã gắn liền với tuổi thơ tôi, nơi tôi lớn lên và luôn muốn góp sức nhỏ bé của mình để xây dựng đất nước".

Cô Ngọc hướng dẫn trẻ tìm hiểu về môi trường tự nhiên xung quanh sân trường

Bố mẹ là người đã tiếp lửa cho cô Ngọc cố gắng học hành, vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống và nuôi dưỡng ước mơ thành cô giáo.

Những bữa cơm đạm bạc chỉ có rau, cháo loãng hay cơm độn với khoai, với sắn, nhưng bố mẹ luôn ở bên động viên, an ủi Ngọc và các con học hành.

Không phụ lòng cha mẹ, từ những nỗ lực của bản thân nhiều năm liền ở các cấp 1, 2, 3 cô Ngọc đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi.

Với ước mơ được làm cô giáo cô Ngọc quyết tâm đi thi và đỗ vào Trường CĐSP Quảng Ninh chuyên ngành Giáo dục mầm non. Thấm thoắt, cô đã công tác tại Trường mầm non Thượng Yên Công được 16 năm. Trong 16 năm cống hiến, cô Ngọc luôn tiên phong đổi mới, tích cực với phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm và dạy học Tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số.

Quãng thời gian gắn bó với nghề, theo cô Ngọc kể, cô có rất nhiều những kỷ niệm vui buồn. Đó là những năng lượng tích cực và liều thuốc tinh thần giúp cô nguyện gắn bó với nghề, gắn bó với trường học nơi miền núi còn nhiều thiếu thốn, khó khăn.

Trường Mầm non Thượng Yên Công là một trường thuộc trường miền núi, có 2 điểm trường, khoảng cách các điểm trường cách trụ sở chính nhà trường là 2km, dân trí thấp, không đồng đều.

Trong những năm công tác, được sự phân công của nhà trường nhiều năm liền cô Ngọc làm công tác chủ nhiệm lớp ở khu Khe Sú. Đây là điểm trường khu lẻ có 100% các cháu là con em dân tộc thiểu số, ngôn ngữ tiếng việt còn hạn chế.

Hàng ngày các con đến lớp giao tiếp với bạn chủ yếu bằng tiếng dân tộc, các con còn nhút nhát, ngại giao tiếp với cô, với bạn. Để thực hiện chuyên đề tăng cường tiếng việt cho trẻ dân tộc thiểu số, cô Ngọc luôn khuyến khích, động viên các con sử dụng Tiếng Việt thường xuyên.

Cô Ngọc có lợi thế khi biết tiếng dân tộc nên có những em không hiểu Tiếng Việt cô phiên dịch sang tiếng dân tộc hoặc từ tiếng dân tộc sang tiếng việt để trẻ hiểu và nắm bắt nhanh hơn.

Cô giáo tuyên truyền với phụ huynh, thường xuyên giao tiếp với các con bằng Tiếng Việt nhiều hơn khi các con ở nhà. Ngoài ra còn kết hợp cùng các ban ngành đoàn thể trong thôn, xóm tuyên truyền tới phụ huynh. Từ đó vốn từ của trẻ cũng được tăng lên.

Tích cực đổi mới phương pháp giáo dục

Do cuộc sống của người dân trong khu vực còn khó khăn, trình độ dân trí thấp, phụ huynh chưa hiểu được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường. Hàng năm, cô Ngọc đã cùng đồng nghiệp đi đến từng nhà vận động, tuyên truyền cho phụ huynh thấy được tầm quan trọng của việc đưa trẻ đến trường.

Thấy được thiệt thòi của học trò, trong lớp học, cô Ngọc luôn quan tâm, gần gũi trẻ, trò chuyện với các em nhiều hơn, giúp trẻ mạnh dạn hơn khi giao tiếp cùng cô, cũng từ đó cô hiểu thêm về trẻ.

"Do trẻ lớp tôi phụ trách 100% trẻ là con em dân tộc thiểu số nên cũng phần nào ảnh hưởng đến việc áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nhưng tôi không nản lòng, mà luôn cố gắng chú trọng bồi dưỡng chyên môn, tham gia đầy đủ các buổi bồi dưỡng chuyên môn, mạnh dạn trao đổi những vấn đề còn chưa rõ, chưa hiểu, những quan tâm để được hướng dẫn, giải đáp".

Những buổi trải nghiệm thực tế ý nghĩa của học trò Trường Mầm non Thượng Yên Công

Ngọc luôn chú trọng đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục lấy trẻ làm trung tâm dựa trên sự hiểu biết, nhu cầu, hứng thú của trẻ, không gò bó, áp đặt. Việc tăng cường thiết bị, đồ dùng dạy học và tạo môi trường cho trẻ hoạt động lấy trẻ làm trung tâm, áp dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến (Phương pháp STEM) vào giảng dạy cũng là một biện pháp quan trọng cô giáo đã sử dụng.

Cô giáo xây dựng mô hình, sưu tầm tranh ảnh, tạo và lựa chọn môi trường hoạt động trong và ngoài lớp học phong phú, giúp trẻ được trải nghiệm, được khám phá từ đó các em khắc sâu thêm kiến thức. Cô thường xuyên khuyến khích trẻ chủ động, sáng tạo, tích cực trong các hoạt động, giúp trẻ "Học mà chơi, chơi mà học"

Trong công tác chuyên môn, được sự tín nhiệm của đồng nghiệp cô Ngọc được bầu là Tổ trưởng chuyên môn, là Chi ủy viên Chi bộ kiêm Phó chủ tịch công đoàn trường. Cô gương mẫu, hăng say, nhiệt tình, tích cực tham gia mọi phong trào hoạt động chung của trường, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Nhiều năm liền, cô Ngọc đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp thành phố, cấp tỉnh; đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và được UBND thành phố tặng giấy khen.

Đặc biệt trong năm 2020, cô giáo vinh dự khi được lựa chọn tham gia chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ GD&ĐT, Ủy ban trung Ương Hội liên hiệp TNVN và Công ty Thiên Long tổ chức. Trong chương trình này cô Ngọc được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Ủy ban trung ương Hội liên hiệp TNVN, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển các dân tộc của Bộ trưởng chủ nhiệm ủy ban dân tộc. Và đây cũng là một kỷ niệm đáng nhớ, không bao giờ quên trong sự nghiệp giáo dục của cô giáo Ngọc.

Cô Hà Thị Điền- Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Cô Lài Thị Ngọc luôn đi đầu trong các phong trào thi đua của trường, của ngành tổ chức. Trường có 60% học sinh người dân tộc thiểu số. Để tăng cường Tiếng Việt cho trẻ nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phương pháp rõ ràng; 100% cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng chuyên đề và thực hiện tốt nhiệm vụ. Cô Ngọc là gương giáo viên tiêu biểu trong việc dạy học Tiếng Việt cho học trò.
Bài liên quan
Quảng Nam: Chú trọng bảo tồn văn hóa dân tộc trong trường học miền núi
Những năm qua, các trường THCS, THPT ở miền núi tỉnh Quảng Nam luôn lồng ghép triển khai nhiều hoạt động bổ ích về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo trẻ nguyện gắn bó cuộc đời với giáo dục miền núi