Cô giáo trường vùng khó chia sẻ phương thức dạy trò giật giải Nhì cấp tỉnh

Thế Lượng | 17/01/2023, 07:03
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Lần đầu tiên ở ngôi trường vùng khó của huyện biên giới có học trò đoạt giải Nhì cấp tỉnh, đã trở thành ‘hiện tượng’ của giáo dục địa phương.

Cô và trò mang thành tích cao về cho trường

Thông tin nữ sinh Hà Thị Phương Thảo (lớp 9), Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Sơn đoạt giải Nhì cấp tỉnh, môn Giáo dục công dân (GDCD) đã khiến nhiều người trầm trồ, khen ngợi.

Hà Thị Phương Thảo là chị cả trong một gia đình có 3 chị em. Em út của Phương Thảo năm nay mới lên ba tuổi. Bố, mẹ của Phương Thảo đều làm nông nghiệp ở bản Cạn, xã Trung Xuân (Quan Sơn). Mặc dù gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng Phương Thảo đã có ý thức học tập từ rất sớm. Trong khi đó, điều kiện học tập của nhà trường cũng đang còn nhiều khó khăn, trở ngại về cơ sở vật chất.

Là học sinh nữ, người dân tộc Thái, nên Hà Thị Phương Thảo cũng có phần nhút nhát khi tâm sự về bản thân cũng như hoàn cảnh gia đình. Ngược lại, trong học tập, Phương Thảo lại là người có lực học rất tốt và trở thành nhân tố mới của ngôi trường ở vùng khó khăn này, khi em trở thành nữ sinh đầu tiên đoạt giải Nhì cấp tỉnh môn GDCD trong kỳ thi học sinh giỏi (HSG) vừa qua.

Người đã có công dìu dắt nữ học trò đầu tiên của nhà trường đoạt giải Nhì cấp tỉnh, đó là cô giáo Lò Thị Chiêm, Trường TH&THCS Trung Xuân huyện Quan Sơn (Thanh Hóa).

Cô giáo trường vùng khó chia sẻ phương thức dạy trò giật giải Nhì cấp tỉnh  ảnh 1
Cô giáo Lò Thị Chiêm (bên trái), cùng đồng nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

“Em có được kết quả của ngày hôm nay, đó là nhờ công lao dìu dắt của các thầy, cô giáo trong trường, và đặc biệt là cô Lò Thị Chiêm. Nhờ sự tận tâm, tận tụy của cô giáo, đã khơi dậy tình yêu môn học GDCD, để em có nghị lực phấn đấu học tốt môn học này. Em sẽ cố gắng thật nhiều hơn nữa, để không phụ công lao dạy dỗ của cô giáo”, Phương Thảo thổ lộ.

Là giáo viên đã có hơn 10 năm trực tiếp giảng dạy, cô giáo Lò Thị Chiêm luôn được nhà trường phân công, giao trách nhiệm bồi dưỡng HSG môn GDCD.

Tuy nhiên, việc bồi dưỡng HSG môn GDCD ở các nhà trường nói chung, trường TH&THCS Trung Xuân nói riêng là hết sức khó khăn, bởi vì: Số lượng học sinh nhà trường ít (hơn 80 học sinh toàn trường) nên việc tuyển chọn HS có năng lực ôn luyện khó khăn.

Bên cạnh đó, phần lớn phụ huynh HS không muốn cho con em tham gia ôn luyện môn GDCD, vì họ cho rằng môn này không thi THPT. Chính vì vậy, khiến tâm lý HS vẫn còn xem nhẹ môn GDCD, và cho rằng đây là môn “phụ”. Hầu hết HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, vì vậy năng lực của các em còn nhiều hạn chế…

Mặc dù việc ôn luyện HSG ở trường TH&THCS Trung Xuân là việc làm rất khó khăn. Thế nhưng, cô giáo Chiêm luôn tâm huyết, nhiệt tình, gieo niềm đam mê môn GDCD vào học trò, để các em có nhận thức đúng về vai trò của môn GDCD, từ đó có sự yêu thích môn học này.

Thầy giáo Cao Văn Vinh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cô giáo Chiêm là người có năng lực, trình độ và rất tâm huyết với môn GDCD. Do đó, trong những năm qua, Ban giám hiệu nhà trường giao nhiệm vụ ôn luyện HSG môn GDCD khối lớp 8 và lớp 9 cho cô Chiêm.

Cô giáo trường vùng khó chia sẻ phương thức dạy trò giật giải Nhì cấp tỉnh  ảnh 2

Cô giáo Lò Thị Chiêm và học trò của mình trên lớp. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Cũng nhờ sự dìu dắt của cô giáo Lò Thị Chiêm, mà chất lượng giáo dục đối với môn GDCD của nhà trường luôn xếp thứ tư, thứ 5/14 đơn vị cấp huyện. Đối với cấp tỉnh, năm học 2021-2022, cô giáo Chiêm đã dìu dắt được có 1 HS đoạt giải Khuyến khích. Đặc biệt, năm học 2022-2023, nhà trường có 1 HS đoạt giải Nhì cấp tỉnh, môn GDCD. Đây cũng là lần đầu tiên, nhà trường có HS mang thành tích cao nhất từ trước đến nay về môn học GDCD”, thầy Vinh cho hay.

Người có nhiều phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi

Chia sẻ về kinh nghiệm, phương pháp trong việc bồi dưỡng HSG môn GDCD cho học trò đi dự thi cấp huyện, cấp tỉnh, cô Chiêm cho rằng: Đó là, GV ôn luyện đội tuyển phải nhiệt tình, tâm huyết, có năng lực và đặc biệt là kinh nghiệm. Bởi, những điều đó, là yếu tố quan trọng, gần như mang tính quyết định đến chất lượng.

Bên cạnh đó, GV ôn luyện phải nắm bắt được năng lực của HS, nếu khả năng học trò chỉ đạt được mức Khuyến khích hay giải Ba, thì người ôn luyện nên cung cấp lượng kiến thức phù hợp, tránh tình trạng cung cấp lượng kiến thức vượt quá cao so với khả năng lĩnh hội của học trò.

Theo kinh nghiệm của cô Chiêm, GV ôn luyện phải có giáo án soạn theo chuyên đề, thường xuyên cho HS làm đề theo các dạng khác nhau. Dạy hết phần nào, phải kiểm tra khả năng tiếp nhận của HS phần đó, tránh tình trạng dạy liên tục hết phần này sang phần khác, trong khi kiến thức cũ chưa nắm chắc lại nhồi nhét kiến thức mới. GV dạy phải yêu cầu HS nắm chắc kiến thức cơ bản trước rồi mới truyền đạt kiến thức mới nâng cao.

“Tôi luôn chú trọng về việc thông hiểu và vận dụng kiến thức cho các em. Bởi vì, nội dung đề thi môn GDCD hiện nay chủ yếu là vận dụng và hiểu biết xã hội, việc học thuộc, ghi nhớ là rất ít. Vì thế, theo tôi nghĩ, người GV phải có năng lực và kinh nghiệm ôn luyện. Đặc biệt, đối với đội tuyển lớp 9 thi cấp tỉnh, phải dạy trước kiến thức đến thời điểm thi để có thời gian ôn luyện lại kiến thức cũ. Người dạy phải làm thế nào để HS yêu quý môn học mình, thì các em mới có hứng thú học”, cô Chiêm chia sẻ.

Cũng theo cô giáo Chiêm, ngoài các phương pháp giảng dạy nêu trên, nữ nhà giáo cho rằng, việc bồi dưỡng học sinh giỏi phải có kế hoạch, chiến lược lâu dài, không nên ôn luyện theo mùa vụ. Phải đào tạo từ năm đầu cấp mang tính ổn định. Ngay từ đầu cấp học, GV phải kịp thời phát hiện, chọn đội tuyển và ôn luyện, nhà trường thành lập đội tuyển, vừa ôn luyện vừa kiểm tra. Đồng thời, tăng cường việc kiểm tra đội tuyển, để nắm bắt được chất lượng HS, từ đó có giải pháp bổ sung kiến thức cho học trò trong quá trình ôn luyện.

Cô giáo trường vùng khó chia sẻ phương thức dạy trò giật giải Nhì cấp tỉnh  ảnh 3

Cô giáo Chiêm (ngoài cùng bên phải) và tập thể cán bộ, giáo viên Trường TH&THCS Trung Xuân. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

“Nhà trường phải phối kết hợp tốt với phụ huynh HS, để phụ huynh quan tâm, tạo điều kiện về thời gian cho các em ôn luyện. Bên cạnh đó, nhà trường tạo điều kiện cho GV và HS ôn luyện, đặc biệt là đội tuyển lớp 9, để có thời gian và tâm trí ôn luyện, thì mới có hy vọng đạt kết quả cao”, cô Chiêm tâm sự.

Đối với tổ chuyên môn, cần tham mưu tốt cho nhà trường về việc chọn GV và HS ôn luyện. Kiểm tra, theo dõi việc ôn luyện, thường xuyên sinh hoạt chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi theo các môn của tổ mình quản lý. Đối với nhà trường, cần tạo điều kiện, ưu tiên GV, HS đội tuyển để GV và học trò toàn tâm toàn ý cho việc ôn luyện.

Ngoài ra, cô Chiêm còn có quan điểm về ôn luyện cũng cần thông qua việc thành lập các nhóm trên mạng xã hội. GV thành lập nhóm zalo với các phụ huynh có HS ôn luyện để GV dễ dàng trao đổi với HS trong thời gian ở nhà và để theo dõi HS ôn luyện. “Cùng với đó, cấp trên cần có chế độ, động viên khuyến khích về vật chất cho GV ôn luyện. Đối với những GV ôn luyện HS giỏi thi cấp tỉnh, thì cuối năm phòng giáo dục nên ưu tiên xét thi đua, để động viên họ sang năm ôn luyện hiệu quả hơn”, cô Chiêm tâm sự.

"Cô giáo Lò Thị Chiêm mặc dù là người địa phương, nhưng rất có năng lực chuyên môn và luôn nhiệt tình, tâm huyết, gương mẫu trong mọi công việc của nhà trường cũng như trong cuộc sống. Những công việc được nhà trường phân công cô đều hoàn thành tốt và hiệu quả.

Chính vì thế, cô Chiêm được đồng nghiệp rất kính trọng, được HS yêu quý. Cô luôn có tinh thần học hỏi đồng nghiệp để nâng cao nghiệp vụ, tự học và bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn. Đánh giá xếp loại viên chức hàng năm cô giáo Chiêm đều đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục được các cấp khen thưởng", thầy Cao Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường TH&THCS Trung Xuân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cô giáo trường vùng khó chia sẻ phương thức dạy trò giật giải Nhì cấp tỉnh