Cơ sở đào tạo đại học 'chật vật' lấp đầy chỉ tiêu

18/10/2023, 06:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến nay hầu hết cơ sở GD ĐH đã ổn định việc dạy - học tuy nhiên vẫn còn đơn vị chưa lấp đầy chỉ tiêu tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung.

Tại hội nghị tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, một số ngành truyền thống có vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế đất nước nhưng kết quả tuyển sinh đạt thấp và phụ thuộc vào sự lựa chọn trường, ngành của thí sinh, chiến lược tuyển sinh mỗi trường. Do bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, cùng sự khác biệt trong quan niệm, nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường, ngành của thí sinh dịch chuyển mạnh những năm gần đây.

Nếu không nhận biết xu hướng và điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chiến lược phát triển, đổi mới ngành và chương trình, phương pháp đào tạo, truyền thông và quảng bá tuyển sinh... thì không thu hút được thí sinh vào trường. Ngược lại, một số trường nôn nóng mở ngành mới khi chưa phân tích, dự báo tốt yêu cầu thị trường lao động và nhu cầu của người học cũng thất bại trong tuyển sinh.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận định, nhiều nguyên nhân khiến một số trường chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu, trong đó có cả chủ quan và khách quan. Một số trường chưa khẳng định được uy tín, thương hiệu và không có lợi thế về địa điểm, lĩnh vực đặc thù. Hầu hết ngành tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu là ngành hẹp, mới đào tạo thí điểm hoặc ngành truyền thống thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Hữu Công - Phó Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho biết, khối ngành nông lâm - ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản số lượng người học ít; thị trường lao động trong lĩnh vực này chưa nhiều. Từ thực tế này, PGS.TS Nguyễn Hữu Công kiến nghị, Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành khó tuyển, nhất là ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, vì đó là ngành thiết yếu.

Đồng quan điểm, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh, có ngành khó thu hút tuyển sinh, nhất là khoa học cơ bản. Với những ngành này, Nhà nước có thể đầu tư nhiều hơn. Nếu nhìn ngắn hạn thì những ngành truyền thống, khoa học cơ bản chưa mang lại kết quả, lợi ích trước mắt nhưng hữu ích lâu dài; thậm chí là nòng cốt cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa bằng các chính sách đãi ngộ về học bổng, việc làm…

Cần có cơ chế “đặt hàng” và thêm chính sách hỗ trợ cho sinh viên học các ngành khoa học cơ bản, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, GS.TS Nguyễn Thị Lan - đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đề xuất. Thực tế, đa số sinh viên theo học lĩnh vực này xuất phát từ nông thôn, gia đình khó khăn.

Ngoài ra, nếu các em muốn học chương trình chất lượng cao phải đầu tư và tham gia thực hành, thực tập nhiều. “Do đó, nếu không có chính sách đặt hàng, để người học phải trả học phí nhiều cũng là rào cản để thu hút học sinh, sinh viên theo học lĩnh vực truyền thống”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, nhiều ngành đào tạo truyền thống giữ vai trò thiết yếu đối với nền kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp để thu hút người học nên ít nhiều tác động đến kết quả tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/co-so-dao-tao-dai-hoc-chat-vat-lap-day-chi-tieu-post657852.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/co-so-dao-tao-dai-hoc-chat-vat-lap-day-chi-tieu-post657852.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cơ sở đào tạo đại học 'chật vật' lấp đầy chỉ tiêu