Theo TS Phạm Phương Chi, những tiêu chí về tạp chí uy tín được Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) hay Hội đồng Giáo sư Nhà nước đưa ra khi xét duyệt đề tài, chức danh. Tuy nhiên, các ứng viên vẫn có thể “lách luật” từ “kẽ hở” của chính cơ sở dữ liệu ISI, Scopus. Có những tạp chí kém chất lượng chỉ tồn tại trong cơ sở dữ liệu này thời gian ngắn, vừa đủ để nghiệm thu đề tài và “vừa vặn” lọt qua lần xét duyệt. “Vì thế, lựa chọn tiêu chí các thành viên xét duyệt đề tài hoặc hội đồng chức danh, cần nâng cao năng lực cũng như liêm chính của thành viên các hội đồng”, TS Phạm Phương Chi đề xuất.
Đánh giá nhà khoa học cần nhìn nhận toàn diện, không nên chỉ tập trung vào định lượng các bài báo quốc tế, GS.TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội nhấn mạnh và cho rằng, nhà khoa học Việt Nam có thể đăng bài ở các tạp chí trong nước uy tín. “Có nhà khoa học chỉ đưa ra những bài báo quốc tế, nhưng không có công trình đóng góp trong nước, khi xem xét chức danh giáo sư, hội đồng cũng đặt câu hỏi?”, GS.TS Đinh Thị Mai Thanh cho hay.
Cần đầu tư để phát triển tạp chí trong nước là đề xuất của GS.TS Lê Quốc Hội - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Cách đây 20 năm, Thái Lan cũng giống Việt Nam hiện nay. Khi đó, công bố quốc tế của họ tốt nhưng ít tạp chí trong nước đạt chuẩn quốc tế. Họ nhận thấy nền khoa học trong nước giống như cơ thể đang bị lệch.
Từ bài học kinh nghiệm của Thái Lan, GS.TS Lê Quốc Hội cho rằng, quốc tế hóa của Việt Nam đang bị lệch vì liên kết đào tạo, công bố quốc tế tốt nhưng hội nhập chưa tốt. Đến thời điểm hiện tại, mới có 13 tạp chí vào danh mục ISI, Scopus. Các tạp chí của Việt Nam chưa có văn hóa cùng nỗ lực phát triển và thiếu cơ chế nâng tầm tạp chí.
“Ở Thái Lan, sau khi nhận thức được vấn đề, họ đã thành lập hệ thống trích dẫn quốc gia, từ đó tạo nên mặt bằng cạnh tranh giữa các tạp chí trong nước. Từ hệ trích dẫn quốc gia, Thái Lan tiệm cận với quốc tế. Đến nay, họ có 60 tạp chí vào Scopus trong 10 năm”, GS.TS Lê Quốc Hội thông tin và cho rằng, cần tạo ra cơ sở dữ liệu tiền đề cho hệ thống trích dẫn quốc gia Việt Nam để đánh giá xếp hạng các tạp chí; đồng thời đưa ra tiêu chuẩn thế nào là một tạp chí khoa học; trong đó có tiêu chí định tính, định lượng. Chúng ta có thể áp dụng 10 tiêu chí của ACI (hệ thống cơ sở dữ liệu của các nước ASEAN). Hệ thống này lựa chọn mỗi nước 2 chuyên gia hàng đầu/lĩnh vực để đánh giá.
PGS.TS Trần Anh Tuấn - Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho hay, hệ thống tạp chí khoa học ở Việt Nam khá phong phú về số lượng. Hiện, cả nước có hơn 600 tạp chí khoa học. Hầu hết bộ, ngành, cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, các hội, phân hội… đều có tạp chí khoa học riêng. Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 13 tạp chí thuộc danh mục Scopus và WoS. Đối với danh mục ACI (thuộc AAEAN), Việt Nam có 26 tạp chí (tính đến tháng 3/2023).