Con trai của chị Thu Hồng (quận 11, TP.HCM) cũng đang luyện tập để thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa giống con của chị Nguyễn Hoa. Tuy nhiên, con chỉ học tại nhà, không học ở trung tâm vì ngay từ đầu, con đặt mục tiêu thi vào trường để thử sức và kiểm tra khả năng học tập của bản thân.
Chị Thu Hồng cho biết hiện con trai chị đang luyện thi theo các bộ đề có sẵn trên mạng. Do đi học chính khóa cả tuần, con chỉ luyện đề vào buổi tối và các ngày cuối tuần. Bản thân chị sợ con học nhiều vất cả nên luôn động viên, nhắc con ôn tập trong khả năng của bản thân, không nên học quá sức rồi gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Tôi luôn ưu tiên niềm vui và sức khỏe của con là trên hết nên nếu con đậu thì sắp xếp học, không đậu thì cho con đăng ký học trường khác. Tôi không gây áp lực, bắt buộc con phải vào trường chuyên”, chị Hồng nói.
Thí sinh thi vào lớp 6 trường THCS chất lượng cao phải trải qua 2 vòng sơ tuyển và kiểm tra, đánh giá năng lực. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang. |
Những năm gần đây, kỳ thi vào lớp 6 trường chất lượng cao căng thẳng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đây không chỉ là cuộc đua về năng lực thí sinh, đó còn là bài toán về kinh tế và thời gian của phụ huynh.
Theo chị Yến, với mỗi buổi học ở trung tâm, gia đình chị phải chi 200.000 đồng. Như vậy, đều đặn gần 2 năm, mỗi tháng, riêng việc ôn thi của con cũng mất đến hơn 2 triệu đồng.
“Chưa kể, xác định về lâu dài, vợ chồng tôi còn cho con học thêm tiếng Anh từ khi 4 tuổi, chi phí cũng kha khá. Về học phí ở trường tư thục, may mắn, con học tốt nên kỳ nào cũng có học bổng", chị Yến chia sẻ.
Không riêng tiền bạc, 2 năm nay, chị Yến cũng phải đầu tư nhiều thời gian cho con. Chị chia sẻ dù công việc kinh doanh rất bận rộn, những ngày con đi học buổi tối, chị vẫn phải sắp xếp để về sớm đón con, chuẩn bị sẵn cơm nước để con kịp ăn trước khi đi học. Theo chị, như vậy mới đảm bảo con có sức khỏe tốt.
Buổi tối, khi con tự học, chị cũng thường xuyên sang phòng, dành thời gian hỗ trợ con những bài khó bởi chị biết, kiến thức ôn thi của con rất rộng, có thể vẫn nằm trong chương trình học nhưng nhiều dạng bài, cách hỏi, cách ra đề khác nhau. Ngày nào cũng vậy, phải đợi con tắt đèn, vợ chồng chị mới yên tâm đi ngủ vì lo con thức quá khuya.
“Khi có bài khó, nếu con nghĩ quá lâu mà vẫn chưa biết cách làm, tôi sẽ hỏi ý kiến con, nếu con cần hỗ trợ, tôi sẽ giảng bài cho con hiểu. Điều này giúp con nhanh chóng hoàn thành bài vở và đi ngủ sớm, nhưng thông thường, con đều muốn tự làm bài", chị Yến nói và cho biết thấy con tự giác, ham học, vợ chồng chị cũng có nhiều động lực để đồng hành cùng con.
Tương tự, trong thời gian con ôn thi, chị Thu Hồng cũng trở thành bạn đồng hành, cùng ôn thi với con. Kể từ khi con trai vào guồng ôn tập, chị Hồng cũng dành thời gian lên mạng, tham gia các hội nhóm ôn thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa để tìm các bộ đề mới rồi hai mẹ con cùng làm.
Dù công việc bận rộn, chị Hồng vẫn dành thời gian cùng con giải ít nhất một đề mỗi tuần, sau đó, hai mẹ con cùng tra đáp án, tự chấm điểm để biết những nội dung nào làm chưa tốt rồi rút kinh nghiệm. Từ những lần giải đề cùng con, chị Hồng nhận thấy môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh con đã làm khá tốt, nhưng phần kiến thức xã hội con còn gặp khó khăn vì nội dung kiến thức rất rộng.
Để con nâng cao kiến thức về khoa học xã hội, lịch sử, địa lý, chị Hồng cho con xem thời sự, đọc sách báo mỗi ngày. Bản thân chị cũng tham gia hoạt động này cùng con như một cách để động viên con học tập.
"Bản thân tôi biết đề thi vào trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ thiên biến vạn hóa nên tôi cho con học theo kiểu chậm mà chắc. Tôi cho con đọc tin tức và góp nhặt các kiến thức xã hội để tạo thành kho kiến thức chung. Nếu không áp dụng được trong bài thi, con vẫn có được kho tàng kiến thức hữu ích cho cuộc sống sau này", chị Hồng nói thêm.