Đây là độ tuổi dễ dàng hấp thụ ngôn ngữ, tiến bộ nhanh... Tuy nhiên, do lứa tuổi còn nhỏ nên các em chưa có nhiều hiểu biết về chính trị, xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu các từ ngữ học thuật, chuyên ngành.
Một nhân viên của Trung tâm IELTS MC (Q.1) nhìn nhận: “2 năm trước, tỷ lệ học viên 12 - 15 tuổi tại trung tâm chỉ chiếm tầm 5%, hiện đã tăng gấp 3 lần - lên đến 15%, ở các lớp cơ bản tỷ lệ này còn lên đến 20%. Hiện có thể thấy sự “trẻ hóa” trong độ tuổi học IELTS. Mục đích các con học IELTS là để du học ngay từ bậc THPT, để rèn luyện tiếng Anh, phát triển tư duy bằng tiếng Anh, đặc biệt với các HS có dự định thi vào trường chuyên. Bên cạnh đó, bậc THCS vẫn chưa quá áp lực việc học tập nên phụ huynh muốn con học IELTS sớm để có nền tảng tốt, lên THPT sẽ có thời gian học các môn chính khóa. Ngoài ra, một số phụ huynh cũng có tâm lý cho con học theo phong trào chứ chưa có mục tiêu cụ thể”.
Bà Nguyễn Thị Nhật Lệ, đại diện Trung tâm IELTS Fighter có hệ thống ở nhiều tỉnh thành, cũng thông tin: “Tại trung tâm chúng tôi, tỷ lệ HS độ tuổi 13 - 15 theo học IELTS rơi vào khoảng 15%. Mục tiêu của các em là muốn xét tuyển trường THPT tốt, du học sau khi hết THCS hoặc ôn luyện sớm để chuẩn bị cho việc lên THPT thi lấy chứng chỉ để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển vào trường ĐH tốp đầu”.
Theo nhân viên của Trung tâm IELTS MC, tùy vào trình độ và mục tiêu của học viên, nhưng lộ trình được thiết kế thành 4 khóa chính, thường học trong 1 năm. “Các bạn nhỏ không phải học một lần là lên lớp được, có bạn cần học 2 lần mới lên lớp”, nhân viên này chia sẻ thêm.
Nói về thuận lợi của lứa tuổi THCS khi học IELTS, đại diện Trung tâm IELTS MC cho rằng đây là độ tuổi dễ dàng hấp thụ ngôn ngữ, tiến bộ nhanh. Đồng thời do internet phát triển, HS được tiếp xúc sớm và nhiều với các phương tiện học tiếng Anh nên có suy nghĩ và tư duy tốt. “Tuy nhiên, do lứa tuổi còn nhỏ nên các em chưa có nhiều hiểu biết về chính trị, xã hội, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp thu các từ ngữ học thuật, chuyên ngành”, vị này đánh giá.
Theo bà Nhật Lệ, lộ trình mà Trung tâm IELTS Fighter thiết kế dành cho HS THCS là phân theo giai đoạn nền tảng và chuyên sâu. Bà Nhật Lệ cũng nhìn nhận, việc thiếu kỹ năng và kiến thức xã hội, tư duy logic để trả lời các câu hỏi học thuật của đề thi cũng là một rào cản của HS nhỏ tuổi học IELTS.
“Kỹ năng viết ở độ tuổi này nhìn chung còn hạn chế do ngữ pháp và từ vựng còn giới hạn nhiều, bị rập khuôn theo kiểu đánh trắc nghiệm học ở trường chứ chưa đáp ứng tốt được khi viết một bài văn hoàn chỉnh. Chưa kể thái độ học tập của các bé còn chưa được tích cực, nhiều học viên vẫn bị áp lực học hành từ phụ huynh nên chưa toàn tâm toàn ý học. Bên cạnh đó, đang ở lứa tuổi phát triển tâm sinh lý, nên nhiều học viên còn nhút nhát, chưa thể hiện bản thân ở môi trường lạ”, bà Nhật Lệ chia sẻ.
Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho rằng học IELTS ở độ tuổi này giúp các em có cơ hội tiếp cận và làm quen với bài thi từ sớm, nếu có mục tiêu cụ thể rõ ràng thì đây là bước chuẩn bị cần thiết.
“Mặc dù vậy, cả 4 kỹ năng trong bài thi IELTS được định hướng theo các chủ đề học thuật, như ô nhiễm môi trường, thực phẩm biến đổi gien, thương mại xuất nhập khẩu, tâm lý học..., có phần vượt quá kiến thức của lứa tuổi tiểu học, THCS… Đây là một rào cản lớn vì kiến thức của các em chưa chuyên sâu, dẫn đến việc các em thiếu ý tưởng và chưa có cách tư duy phản biện phù hợp cho kỹ năng viết và nói, khó khăn trong kỹ năng nghe và đọc. Điều đó dễ làm học viên nản chí trong quá trình tiếp thu Anh ngữ của mình”, thạc sĩ Hữu nhận định.
Theo thạc sĩ Hữu, việc giảng dạy IELTS trên thế giới thường định hướng cho người học ở độ tuổi tương đương chương trình THPT trở lên. Đây là điều dễ hiểu vì đó là độ tuổi tương đối ổn về mặt kiến thức xã hội, và đang có xu hướng trưởng thành về ngôn ngữ, tư duy phản biện.
“Các chương trình IELTS ở VN được xây dựng theo kiểu “gắn mác” IELTS và có tích hợp một số đề thi. Thực chất HS vẫn được giảng dạy theo các chương trình tiếng Anh tương ứng cho lứa tuổi, sau một thời gian mới bước vào giai đoạn IELTS. Học các khóa học này, HS sẽ phải đánh đổi giữa các yêu cầu của việc phát triển toàn diện tiếng Anh so với yêu cầu học để thi chứng chỉ và định hướng học thuật. Do đó, phụ huynh cần cân nhắc và tham vấn kỹ lưỡng”, thạc sĩ Hữu khuyên.
Thạc sĩ Nguyễn Minh Trí, giảng viên tiếng Anh, Viện Đào tạo quốc tế, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng nhìn nhận kỳ thi IELTS không chỉ đánh giá kỹ năng ngôn ngữ mà còn kiểm tra những kiến thức đa dạng trong các lĩnh vực học thuật. Vì thế, việc cho trẻ đi học IELTS sớm ngay từ lớp 4 và 5 sẽ tạo nhiều áp lực cho trẻ.
Là người đang dạy IELTS cho nhiều HS THCS, cô Phan Bùi Châu, giáo viên tiếng Anh tại Trung tâm ngoại ngữ Kiến thức Việt (Biên Hòa, Đồng Nai), đánh giá: “Đa số các em THCS chưa đủ trình độ ngôn ngữ và kiến thức để làm tốt các bài tập về viết luận. Một số em đi học IELTS là do... phụ huynh bắt học nên không hiệu quả lắm”.
Chính vì vậy, kỳ thi IELTS không được khuyến khích đối với thí sinh dưới 16 tuổi.