Chia sẻ kinh nghiệm của mình, cô Loan cho biết, điều quan trọng đầu tiên là mỗi giáo viên cần luôn củng cố kỹ năng của bản thân, nâng cao khả năng nghe, nói, đọc, viết và nắm thật chắc bài thi IELTS.
Giáo viên cần thường xuyên cập nhật các chủ đề từ vựng hay xuất hiện trong các đề thi IELTS từng quý, để từng bước truyền đạt, lồng ghép vào bài giảng, giúp học sinh hấp thụ, nhớ những cụm từ hay, những cụm từ thiết thực để các con có thể áp dụng cho kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Bên cạnh đó, thường xuyên sưu tập tài liệu hay từ các nguồn sách, các trang web (chủ yếu bằng tiếng Anh),… các kiến thức về các lĩnh vực khác nhau. Từ đó chắt lọc và truyền tải tới học sinh.
Việc tìm hiểu sở thích, đam mê của đa số học sinh trong mỗi lớp rất quan trọng, giúp thầy cô đưa nội dung bài giảng phù hợp, tạo hứng thú học tập. Một số chủ đề nhiều học sinh quan tâm như: Công nghệ thông tin, âm nhạc, nghệ thuật, mạng lưới xã hội,...
“Một trong những cách tôi thường áp dụng là kiên trì và tỉ mỉ dạy học sinh cách viết câu, đoạn văn, bài văn tiếng Anh theo đúng văn phong. Chịu khó chấm chữa bài viết cho từng học sinh, nêu điểm mạnh, điểm yếu của từng bạn, để tiếp tục phát huy điểm mạnh và sửa đổi lỗi. Luôn khuyến khích động viên học sinh với những lời tích cực để các con có động lực tiếp tục phấn đấu. Thường xuyên cập nhật đề thi thật và cho học sinh luyện tập, chuẩn bị tâm lý tự tin khi đi thi thật…” - cô Phạm Thị Loan chia sẻ.
Với những nỗ lực không ngừng, trong mấy năm học gần đây, các lớp Q (quốc tế) của trường Lý Thái Tổ do cô Phạm Thị Loan giảng dạy đều có tỷ lệ học sinh thi IELTS cao; nhiều học sinh đạt điểm IELTS 6.5, 7.0, 7.5 và kể cả 8.0.
Lớp 12Q1 do cô chủ nhiệm năm học vừa qua có 33 học sinh thì 23 em đạt chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên và được xét tuyển thẳng vào các trường đại học lớn như: Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH RMIT…