Bài viết của tác giả Lưu Việt trên nền tảng Toutiao (Trung Quốc)
Cha mẹ nào cũng kỳ vọng con cái ưu tú nên thật khó để thừa nhận chuyện con trai mình không phải một học sinh xuất sắc như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng đó là thực tế tại gia đình tôi và con trai út Tiểu Minh. Trong khi con gái cả Tiểu Liên là học sinh giỏi cấp tỉnh, đỗ vào Đại học danh tiếng trên thủ đô thì Tiểu Minh dù chăm chỉ đến đâu, điểm số vẫn luôn nằm trong top cuối của lớp.
Vì kết quả học tập nên không ít lần vợ chồng tôi nặng lời gây áp lực với Tiểu Minh, khiến con ngày càng thu mình lại và không còn thoải mái trò chuyện với bố mẹ. Cho đến một ngày vợ tôi nhận ra tính cách nhút nhát của Tiểu Minh, cùng với việc con học kém nên ở lớp rất ít bạn, chúng tôi mới đau lòng vì biết ở cả 2 môi trường lớp học và gia đình con đều không hạnh phúc.
Từ đó tôi và vợ chấp nhận sự thật Tiểu Minh không thể nào xuất sắc như chị gái, vậy nên chúng tôi không còn thúc ép con học. Thay vào đó tập trung cho con phát triển môn Tiếng Anh yêu thích, tham gia các hoạt động thể thao ngoài trường học để con vận động và kết bạn nhiều hơn. Khi không còn so sánh và kỳ vọng quá nhiều, Tiểu Minh hoạt bát hơn hẳn, con tự giác chăm chỉ học tập và mối quan hệ gia đình nhờ vậy mà cũng không còn căng thẳng như trước.
Đến năm Tiểu Minh thi Đại học, điểm của con đạt 400/750, đủ vào một trường Đại học không quá danh tiếng tại địa phương với đúng chuyên ngành con chọn. Vợ chồng tôi vui mừng thở phào nhẹ nhõm, dù sao đây cũng là thành quả cho sự nỗ lực bền bỉ của con, điểm cao hơn so với các kỳ thi thử. Vậy nên chúng tôi quyết định sẽ mở tiệc tại nhà hàng, mời người thân trong gia đình và cả lớp của Tiểu Minh đến để chung vui.
Khi tôi ngỏ lời mời phụ huynh của các con đến bữa tiệc, ai nấy cũng hồ hởi đồng ý. Cho đến khi có người hỏi điểm của Tiểu Minh, tôi đáp lại thì tất cả lại im lặng. Không nghi ngờ gì nên tôi vẫn đặt 20 bàn tiệc tại nhà hàng. Đến hôm tổ chức, điều tôi ngỡ ngàng là chỉ có người thân trong gia đình và vài người bạn thân ở CLB bóng rổ của Tiểu Minh đến, lớp cấp 3 gần như không có ai.
Buổi tiệc 20 mâm chỉ ngồi kín một vài mâm, may mắn là chúng tôi không tiết lộ đã mời bao nhiêu người nên Tiểu Minh vẫn vui vẻ ngồi ăn. Tôi tức giận nhắn vào nhóm phụ huynh hỏi vì sao mọi người không đến, lo lắng họ quên lịch thì mẹ của lớp trưởng Trần Hiếu, đại diện hội phụ huynh nhắn riêng cho tôi: "Nhiều phụ huynh nói với tôi rằng kết quả học tập của Tiểu Minh ở lớp không tốt nên không muốn con chơi cùng cậu bé. Ban đầu các phụ huynh tưởng con anh đỗ trường top nên đồng ý đến bữa tiệc nhưng sau đó biết Tiểu Minh chỉ đỗ ĐH ở địa phương, không bằng các bạn trong lớp nên họ cho rằng thành tích này không đáng để tổ chức tiệc ăn".
Đọc những lời này, tôi vừa tự ái lại vừa thương con. Không có quy chuẩn nào cho việc điểm cao mới được ăn mừng, với vợ chồng tôi kết quả như vậy là xứng đáng nhưng có lẽ với các phụ huynh khác thì không.
Đứng lặng người một lúc, tôi hít một hơi thật sâu rồi nhắn vào nhóm phụ huynh: "Tôi biết mọi người đều đánh giá thấp những đứa trẻ có học lực trung bình như Tiểu Minh. Thế nhưng chúng ta đều là người đã trưởng thành, thử nhìn lại những người bạn cùng lớp của mình mà xem, không phải ai học kém sẽ thất bại, không phải ai học giỏi cũng thành công. Nếu bố mẹ chỉ nhìn vào thành tích mà đánh giá một đứa trẻ, mọi người có nhớ được lần cuối các con bạn cười khi ở nhà là khi nào không?".
Tôi tắt điện thoại, trở lại bữa tiệc cùng con. Đến lúc thanh toán, điện thoại hiện lên thông báo tin nhắn là những lời xin lỗi của các phụ huynh. Tôi không trả lời lại ai cả, dù sao Tiểu Minh cũng đã tốt nghiệp nên sẽ không cần gặp lại họ nữa. Điều quan trọng hơn lúc này là chuẩn bị cho con hành trang và tâm thế tự tin để vào Đại học, sẵn sàng cho tương lai phía trước.