Bàn về việc trẻ xé bao lì xì, chê tiền ít trước mặt khách, TS Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội, nhấn mạnh trên thực tế, mọi vấn đề của con trẻ đều phản ánh cách giáo dục, quan điểm, hành động, của cha mẹ trong cuộc sống.
“Ngày Tết, nhiều gia đình đề cao giá trị đồng tiền. Điều này khiến thái độ của con trẻ về vấn đề lì xì cũng thiếu lịch sự hơn hẳn so với những bạn khác”, TS Vũ Thu Hương nói với Zing.
TS Hương nêu rằng nhiều gia đình không quá quan tâm đến việc lì xì, không dạy con về lì xì nên đôi khi các con vừa nhận xong là làm mất luôn, không quan tâm nữa. Nhưng một số nhà lại dạy con rằng con chính là “lao động chính trong ngày Tết” nên khi nhận lì xì từ người lớn, các con sẽ có tâm lý so bì tiền nhiều hay ít, thậm chí vòi vĩnh, đòi khách phải lì xì cho mình.
Theo TS Hương, phần lớn trẻ được nhận lì xì nhưng lại không hiểu hết ý nghĩa của nó. Các con chỉ cho rằng lì xì là một dạng quyền lợi, điều kiện để có được tiền tiêu. Chính điều này khiến việc lì xì mất đi giá trị tốt đẹp vốn có, đôi khi “làm hư” cả trẻ và cha mẹ.
Người lớn cần dạy con về việc nhận lì xì, không nên đánh, mắng con. Ảnh: Edwin Tan. |
Chung quan điểm với TS Vũ Thu Hương, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh chuyên ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM), nêu có 4 yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển nhân cách của trẻ. Trong đó, yếu tố gia đình mang màu sắc rõ nét nhất trong giai đoạn dưới tuổi tiểu học.
Do đó, trẻ có thể học hành vi bóc lì xì từ việc quan sát anh chị, người lớn xung quanh - những người thể hiện sự coi trọng tiền bạc hơn là giá trị, ý nghĩa của việc lì xì đầu năm.
Vào ngày Tết, nhiều gia đình cũng xem con mình như cách để “bù lỗ” số tiền mình đã lì xì cho trẻ nhỏ của gia đình khác. Khi con nhận lì xì từ khách, một số phụ huynh ngay lập tức thu hồi lì xì của con, bóc ra để so sánh mệnh giá, thậm chí kèm thêm những lời bình luận như “sao nhà này keo kiệt thế”, “mình mừng tuổi cho nhà này bị hố rồi”...
Một lý do nữa khiến trẻ cư xử chưa đúng khi nhận lì xì là các em chưa được cha mẹ giải thích rõ ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm. Các em không biết rằng lì xì không đơn thuần mang giá trị vật chất, mà là lời chúc may mắn của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Từ đó, trẻ sẽ coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần của việc lì xì.
Theo anh Tâm An, không riêng việc chê lì xì mà trong mọi tình huống, việc trách mắng, thậm chí dùng vũ lực với con trước mặt người khác là điều không nên, nhất là khi con đang ở lứa tuổi cuối tiểu học, đầu THCS. Đứa trẻ khi bị đánh, mắng trước mặt người lạ sẽ tổn thương lòng tự trọng, từ đó hành vi chống đối sẽ mạnh mẽ hơn.
Giáo dục con không phải ngày một, ngày hai. Cha mẹ không thể nghĩ là chỉ phạt con một lần là xong, hết nghĩa vụ. Để con cư xử đúng mực, cha mẹ cần làm gương, nhắc nhở con thường xuyên, nhất là trước khi Tết đến.
Cha mẹ cũng có thể “tập dợt” cách ứng xử cho con thông qua hình thức đóng vai. Thông qua các bài tập này, bạn hãy dạy con nhận lì xì bằng hai tay, chủ động chúc Tết, cúi đầu cảm ơn…
Trong trường hợp trẻ bóc lì xì trước mặt khách, cha mẹ nên chủ động giải thích, nghiêm túc nhắc nhở cho trẻ hiểu hành vi này là bất lịch sự, thiếu lễ phép, đồng thời gợi ý các con nên chủ động xin lỗi và không tái phạm.
“Với những người là khách, bị trẻ chê mình lì xì ít, bạn có thể nhắc nhở trẻ nhẹ nhàng và trao đổi thêm với phụ huynh của các em để hỏi về quan điểm giáo dục con. Bạn không nên tự ái mà trách móc hoặc quy hết trách nhiệm cho trẻ vì suy cho cùng, trẻ chỉ đang mô phỏng hành vi, lời nói mà mình từng chứng kiến”, anh Tâm An nói thêm.