Công cuộc đổi mới giáo dục sâu sắc và nhiều thách thức

Anh Tú-Hồ Phúc | 22/06/2022, 20:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chiều 22/6, tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2022.

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết: Năm học 2020-2021, TP.HCM đã đi vào ổn định dù đối mặt rất nhiều khó khăn. Việc Bộ GD&ĐT khuyến khích, yêu cầu các địa phương có bộ tài liệu giáo dục địa phương theo ông Hiếu là cần thiết. Tuy vậy, việc biên soạn và in ấn là rất khó khăn (vì không xã hội hóa).

“Việc xin ý kiến của HĐND kinh phí mua sách phát cho thư viện, sách dùng chung cho học sinh vừa được Sở trình nhằm tháo gỡ vướng mắc. Nếu được chấp thuận, Sở sẽ thực hiện cuốn chiếu từ nay đến năm 2024-2025 sẽ phủ đầy đủ cho các thư viện. Bởi nếu chờ một đơn vị thẩm định giá, đấu thầu và triển khai, rồi kinh phí…sẽ rất lâu”- ông Hiếu nói.

Chia sẻ về vấn đề trên, ôngNguyễn Thế Bình- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho rằng: Đơn giá cho bộ tài liệu giáo dục địa phương cũng cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng từ Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính. Vì không có khung tham chiếu và hướng dẫn về giá, cách thức, khung thẩm định giá… để địa phương ban hành và thực hiện bộ tài liệu giáo dục địa phương trên khung giá phù hợp.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh nêu khó khăn về biên chế và công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên môn đặc thù.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị; Công tác thi, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bắt đầu đi vào từng cấp học. Vậy nên Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch thi tốt nghiệp như thế nào ngay từ bây giờ. Bộ GD&ĐT cần ban hành văn bản chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bậc GDTX.

"Đặc biệt, thông tin Bộ Nội vụ sẽ đưa 67.000 biên chế về các địa phương thì rất mong Bộ GD&ĐT xem và cân đối biên chế cho các khu vực khó khăn, đặc thù, nơi không thể thực hiện xã hội hóa để có điều kiện bù đắp lực lượng giáo viên và biên chế bị thiếu khi được phân bổ chỉ tiêu"- bà Diệp kiến nghị.

Tại hội nghị, nhiều lãnh đạo Sở cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT trong việc hướng dẫn thực hiện biên chế trong việc sắp xếp lại các trung tâm GDTX, GDNN, cũng như hướng dẫn thu hồi học phí cho các đối tượng thuộc chính sách cử tuyển nhưng không thực hiện biên chế niệm sở như cam kết.

Đặc biệt, nhiều kiến nghị liên quan đến việc quá nhiều học sinh chọn tổ hợp KHXH để học thi và xét tuyển dẫn đến giáo viên khối ngành KHTN bị dôi dư nhưng lại thiếu giáo viên các môn đặc thù, môn tiếng Anh rất khó tuyển dụng dù chỉ tiêu rất nhiều. Do đó, việc Bộ GD&ĐT cần có chiến lược, kế hoạch chung để điều chỉnh sự bất cập trên.

Trao đổi với các lãnh đạo Sở, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: Mô hình của đơn vị GDNN, GDTX thành một Trung tâm (2015) đã được triển khai khi liên bộ thống nhất và ban hành thông tư nên không thể thay đổi nên có khó khăn và vướng mắc trong biên chế thì kiến nghị xem xét. Về chương trình GDPT 2018 cho hệ GDTX, Thứ trưởng cho biết trong ít ngày tới sau khi thống nhất được về môn lịch sử sẽ ban hành.

Ông Phan Đoàn Thái- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận nhìn nhận: Riêng đối với kế hoạch năm học 2022-2023, chúng tôi thực hiện đầy đủ 11 giải pháp do Bộ GD&ĐT đưa ra, trong đó chú ý 2 nhóm giải pháp đó là tập trung nguồn lực để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 3,7, 10. Đồng thời tăng cương triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục năm 2022-2025.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc kéo dài thời gian kế hoạch năm học trước bối cảnh dịch Covid-19 là cần thiết. Tuy nhiên, các địa phương cũng cần phải cân đong đo đếm trong quỹ thời gian 3 tháng hè sau cho phù hợp. Vì đây là quỹ thời gian của học sinh, giáo viên, việc kéo dài kế hoạch năm học cũng nên ngắn vừa phải để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh, thời gian để giáo viên học tập nâng chuẩn nghiệp vụ trong hè.

Về công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT: Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhắc nhở các Sở: nhân sự là rất quan trọng, do đó phải là giáo viên đã qua tập huấn, cần phải có đội ngũ dự phòng để tránh những trường hợp nảy sinh.

“Hệ số cán bộ theo quy định là 2,32-2,33/phòng thi, nhưng các Sở cần phải tính là 2,5 hoặc là 2,8 hệ số như vậy tốt hơn để đề phòng rủi ro, các trường hợp nảy sinh… Cơ chế phối hợp giữa các bộ phận, lực lượng khi thực hiện công tác tổ chức, coi thi tốt nghiệp THPT cũng rất quan trọng… các đồng chí giám đốc Sở cần lưu ý. Chúng ta phòng chống gian lận, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là siết chặt kỷ luật phòng thi, đảm bảo giáo viên, cán bộ coi thi làm hết trách nhiệm của mình”- Thứ trưởng Độ nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao vai trò của các “tư lệnh” ngành Giáo dục địa phương trong năm học vừa qua. Nhất là trong việc triển khai chương trình GDPT 2018. Bởi theo Bộ trưởng, chương trình GDPT 2018 thành công hay thất bại thành công hay không là từ chính sự quyết liệt, nhận thức của các thầy cô, lãnh đạo Sở GD&ĐT.

“Thời điểm này công cuộc đổi mới cũng đã đi được nửa chặng đường. Chặng đường nước rút trong thời gian tới mục tiêu là triển khai thực hiện sách giáo khoa một cách toàn diện. Chúng ta phải thật quyết tâm để thực hiện đúng mục tiêu, lộ trình công cuộc đổi mới.

Thực hiện chương trình GDPT 2018 và tự chủ đại học là hai mũi xung kích, trọng tâm cho công cuộc đổi mới. Thực tế, trong lịch sử chưa có công cuộc đổi mới nào sâu sắc, toàn diện và nhiều thách thức như lần này. Bởi chúng ta đổi mới từ triết lý, chất lượng đến cả hệ thống nên cần sự quyết tâm lớn”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Toàn- Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông đánh giá những cố gắng và thành tựu đạt được của ngành giáo dục sau một năm đầy khó khăn là sự cố gắng bền bỉ. Mục tiêu giáo dục đặt ra cho toàn ngành trong bối cảnh dịch bệnh là chất lượng thật đã được duy trì dù hình thức dạy và học phải thay đổi đã cho thấy sự chủ động lớn của Bộ GD&ĐT.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-sau-sac-va-nhieu-thach-thuc-g94tcHq7g.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cong-cuoc-doi-moi-giao-duc-sau-sac-va-nhieu-thach-thuc-g94tcHq7g.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Công cuộc đổi mới giáo dục sâu sắc và nhiều thách thức