Cộng đồng giáo viên học tập phá đi 'tảng băng chìm'

07/11/2023, 15:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Cộng đồng GV học tập là nơi kết nối, trao đổi, chia sẻ, được hỗ trợ kịp thời khi gặp khó khăn trong dạy học, nhất là triển khai Chương trình mới.

Tiếp tục phát triển, có giải pháp nâng cao chất lượng cộng đồng là vấn đề đặt ra để góp phần thành công đổi mới giáo dục phổ thông.

Kết nối, hỗ trợ phát triển chuyên môn

Cô Dương Thị Hồng Minh - Trường Tiểu học & THCS Văn Minh (Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) trở thành thành viên cộng đồng giáo viên học tập từ năm 2019, khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn dành cho giáo viên cốt cán. Cộng đồng thu hút sự tham gia của đông đảo giáo viên, giảng viên sư phạm chủ chốt.

Không chỉ trao đổi, chia sẻ về chuyên môn và những nội khác liên quan đến thực hiện chương trình mới, giáo viên còn được giảng viên sư phạm định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Ngoài cộng đồng này, cô Minh tham gia các nhóm trao đổi giữa giáo viên cốt cán, theo môn học đến từ nhiều trường phổ thông…

“Tham gia cộng đồng học tập giúp tôi phát triển năng lực nghề nghiệp, được kết nối với đồng nghiệp giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm, có cơ hội trao đổi và chia sẻ vấn đề cụ thể, từ đó rút kinh nghiệm để giảng dạy tốt hơn.

Với sự hỗ trợ từ giảng viên sư phạm, việc tự học, bồi dưỡng của giáo viên hiệu quả hơn. Từ tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ trong cộng đồng học tập, tôi tự tin, thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cộng đồng học tập còn góp phần xây dựng, củng cố quan hệ giữa giáo viên cùng trường, huyện, tỉnh”, cô Dương Thị Hồng Minh chia sẻ và cho rằng, cần tiếp tục duy trì, lan toả sâu rộng cộng đồng học tập. Các cộng đồng này nên tập trung trao đổi phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và chuyên đề sinh hoạt của tổ chuyên môn.

Cô Phạm Thị Hợp - Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu (Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) tham gia cộng đồng giáo viên học tập từ năm học 2020 - 2021. Là năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018, gặp nhiều khó khăn nên giáo viên tự tạo lập nhóm Zalo để trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau.

Nhiều thầy cô đưa ra khúc mắc, khó khăn đã nhận được chia sẻ, góp ý của đồng nghiệp khắp nơi, qua đó mọi người cùng học hỏi. Nội dung chia sẻ phong phú, từ công tác chủ nhiệm, giao tiếp với phụ huynh, hình thức tổ chức hoạt động cho học sinh… Tuy nhiên, điều cô Phạm Thị Hợp tiếc nuối là chưa được tham gia cộng đồng nào có chuyên gia giáo dục, tác giả viết sách giáo khoa để nhận được hướng dẫn bài bản.

Là giáo viên cốt cán, thầy Trang Minh Thiên - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (TP Cần Thơ) sớm gia nhập cộng đồng học tập của Chương trình ETEP qua Hệ thống LMS. Từ bỡ ngỡ vì lần đầu tham gia cộng đồng học tập online chuyên nghiệp, thầy Thiên nhanh chóng hòa nhập với sự hỗ trợ nhiệt tình từ giảng viên sư phạm. Trong cộng đồng, thầy cô cập nhật kiến thức mới và không ngừng tự học.

“Hệ thống LMS giúp tôi học hỏi thêm nhiều; đồng thời tạo động lực tìm tòi, nâng cao năng lực công nghệ thông tin trong dạy học. Qua cộng đồng học tập, tôi được giao lưu, học hỏi chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành, tác giả sách giáo khoa và đồng nghiệp cả nước; từ đó tháo gỡ vướng mắc chuyên môn, học hỏi thêm các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực, đáp ứng sự thay đổi khi triển khai Chương trình GDPT 2018.

Cộng đồng này làm thay đổi tư duy của đội ngũ giáo viên về việc tự học, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và hỗ trợ thêm cho đồng nghiệp”, thầy Thiên chia sẻ về điểm cộng của hệ thống đồng thời nhìn thấy hạn chế và hy vọng, thời gian tới cộng đồng có “sự chuyển mình” bằng việc tổ chức hội thảo, tọa đàm chuyên môn; hơn thế, có nền tảng học tập trực tuyến trên hệ thống LMS, giúp thầy cô thêm cơ hội học tập, bồi dưỡng.

Cô Phạm Thị Hợp - Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC
Cô Phạm Thị Hợp - Trường Tiểu học thị trấn Bình Liêu và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Cần người dẫn dắt chuyên nghiệp

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên, giá trị quan trọng nhất của cộng đồng học tập là sự kết nối và hỗ trợ lẫn nhau.

Cộng đồng học tập là chỗ dựa vững chắc để mỗi giáo viên luôn cảm thấy được đồng hành, “không cô độc” khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, với nhiều điểm mới, khác biệt so với chương trình cũ. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cộng đồng học tập được thành lập tự phát, thiếu định hướng, sự lãnh đạo, dẫn dắt của người có chuyên môn sâu; vì vậy, hoạt động thiếu hiệu quả hoặc chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Với tư cách chuyên gia giáo dục, các giảng viên sư phạm, tuỳ vị trí chuyên môn, năng lực, sở trường, có thể trở thành người sáng lập chuyên nghiệp nhất cho cộng đồng học tập. Là người tiên phong, am hiểu về Chương trình GDPT 2018, họ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng mô hình cộng đồng học tập giáo viên nhằm thực hiện tốt chương trình.

Để thực hiện vai trò này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng, giảng viên sư phạm cần nắm vững Chương trình GDPT 2018; dự báo được thuận lợi, khó khăn của giáo viên phổ thông khi thực hiện chương trình, từ đó định hướng cho họ trong quá trình thích nghi và tháo gỡ vướng mắc; đề xuất biện pháp phát huy tối đa năng lực sáng tạo, chủ động, tích cực của giáo viên trong thực hiện chương trình.

Bên cạnh là người dẫn dắt, định hướng, giảng viên sư phạm cần như người bạn, đồng hành, chia sẻ cùng giáo viên trong quá trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

“Sự tồn tại lâu dài hay không của cộng đồng học tập giáo viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Vai trò người lãnh đạo, nhu cầu hứng thú của giáo viên, tính hiệu quả/chất lượng của các hoạt động, sự phù hợp về thời gian, thời lượng hoạt động... Trong đó người lãnh đạo là giảng viên sư phạm, giữ vai trò quan trọng.

Muốn duy trì lâu dài cộng đồng học tập, giảng viên sư phạm cần có chiến lược, tầm nhìn để nhanh chóng nắm bắt xu hướng và những thay đổi trong giáo dục. Từ đó, có căn cứ xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả, nhằm tạo ra môi trường hợp tác, kết nối và sáng tạo, nơi giáo viên có điều kiện tốt nhất bộc lộ mọi khả năng của mình, điều kiện phát triển chuyên môn tối ưu nhất.

Để thực hiện được vai trò này, giảng viên sư phạm cần không ngừng học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo phương thức hoạt động, vấn đề mới để nhóm liên tục khám phá, học tập, nghiên cứu”, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ.

Triển khai Chương trình GDPT 2018, không ít giáo viên bày tỏ lo lắng, tâm lý e ngại về sự thay đổi của chương trình. Việc xây dựng cộng đồng học tập của giáo viên phổ thông sẽ tạo ra môi trường học tập giữa giảng viên với giáo viên, giáo viên với giáo viên nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về Chương trình GDPT và cách thức tổ chức thực hiện theo mục tiêu đề ra. - PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cộng đồng giáo viên học tập phá đi 'tảng băng chìm'