Hệ thống được vận hành thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nên có thể phân luồng phòng khám chuyên khoa theo các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân đã khai báo…
Thiết bị được lắp đặt đồng thời tại quầy tiếp đón và phòng khám chuyên khoa, kết nối trực tiếp với bác sĩ quản lý khám, chữa bệnh để có thể chỉ định làm các xét nghiệm, kê đơn thuốc, lập lịch tái khám trên hệ thống để nhắc người bệnh lịch khám tự động qua điện thoại.
Thiết bị này được đặt tại quầy tiếp đón bệnh nhân để ưu tiên phục vụ cho những bệnh nhân khám định kỳ. Mỗi bệnh nhân sẽ được phát một thẻ chip (RFID) để phục vụ cho việc quản lý và nhận diện ưu tiên.
Thiết bị đọc QR code để đọc thông tin bệnh nhân từ căn cước công dân và thẻ bảo hiểm y tế. Bộ đọc thẻ RFID hoạt động ở tần số 13,56 MHz với khoảng cách tiếp xúc gần (0 - 6 cm) không ảnh hưởng đến các thiết bị và môi trường xung quanh.
Bộ đọc QR code có thể đọc các loại mã QR, mã vạch của các thẻ tiêu chuẩn sử dụng cho thẻ bảo hiểm y tế, căn cước công dân Việt Nam. Thiết bị gọi điện, nhắn tin nhắc khám tự động được kết nối với server và cơ sở dữ liệu (CSDL) để nhắc bệnh nhân đến khám theo lịch bác sĩ đã lập sẵn từ lần khám trước.
Với mục tiêu hỗ trợ người dân thuận tiện hơn nữa trong việc khám, chữa bệnh; đồng thời giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế… nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện và bổ sung thêm một số tính năng mới phù hợp với tình hình thực tiễn như hỗ trợ việc đăng ký và khai báo y tế qua nhận dạng giọng nói và khuôn mặt.
Với cách khai báo này, người già hay những người không có điện thoại, thậm chí những người không biết chữ cũng sẽ được hỗ trợ tối đa.
Hệ thống thiết bị đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn, Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu (Hưng Yên) trong mùa dịch Covid-19 cho hiệu quả tốt. Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang triển khai sử dụng hệ thống tại một bệnh viện trực thuộc Bộ Công Thương để đa dạng mô hình cơ sở khám bệnh.