Nên ngồi yên?
Ông Ngô Thành Huấn - Giám đốc Công ty CP tư vấn đầu tư và quản lý gia sản FIDT - phân tích, nhìn lại lịch sử thị trường vàng, năm 2012 là đáy của suy thoái, giá vàng tăng lên mức 43 triệu đồng/lượng.
Nhưng sau khi kinh tế ổn định, xu hướng hồi phục từ năm 2014, giá vàng tạo đáy ở vùng giá 36 triệu đồng/lượng. Đến năm 2019, giá vàng mới bật tăng trở lại mức giá 43 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu ai đó mua vàng vào năm 2012 thì phải giữ trong 7 năm, mới quay lại được mức giá vốn. Chẳng hạn, bỏ 300 triệu đồng mua vàng, sau 7 năm họ không được thêm xu nào.
Theo ông Huấn, nếu nhìn vào câu chuyện phục hồi kinh tế vào năm 2026, giá vàng bắt đầu chu kỳ giảm và đi ngang. Do đó, vị chuyên gia tài chính cho rằng không tăng mua vàng thời điểm này vì có thể “đu đỉnh” bất kỳ lúc nào trong chu kỳ lên tới 10 năm.
Ông Huấn khuyến nghị, thời điểm này có thể giữ vàng nhưng cũng không nên mua thêm. Trong danh mục đầu tư, vàng không nên chiếm quá 15% tỷ trọng.
Còn theo một chuyên gia tài chính, những lúc giá vàng lên "cơn điên", bài học ngồi yên chứ đừng nhảy vào ôm không bao giờ là cũ.
Nhận định về xu hướng giá vàng, vị chuyên gia tài chính cho rằng, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có lộ trình giảm lãi suất thì giá vàng không thể giảm, vẫn “neo” ở mức cao.
“Sự biến động về chính trị, xung đột trên thế giới còn căng thẳng, giá vàng vẫn đang được ủng hộ. Cùng với đó, lãi suất đang quá thấp và sẽ duy trì trong thời gian dài, kênh đầu tư chứng khoán chưa hút được dòng vốn lớn của đông người dân. Còn bất động sản đang nằm trong vùng suy thoái buộc người dân bỏ tiền mua vàng. Do đó, giá vàng khó giảm trong năm 2024”, ông Huấn nhận định.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng, hiện giá vàng thế giới đang quanh mốc 1.160 USD/ounce và có khả năng tăng lên 2.200 USD/ounce. Theo đó, giá vàng trong nước sớm phá kỷ lục cũ.