Năm 2024, tỷ lệ đỗ vào lớp 10 công lập của Hà Nội chỉ khoảng 60%,và năm nay dự kiến tuyển từ 64% trở lên.
Vậy nên, các trường THCS đang áp dụng nhiều giải pháp để giúp học trò củng cố kiến thức và vượt qua áp lực trước kỳ thi quan trọng.
Cô Lê Thúy Quỳnh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Đống Đa) cho biết, năm nay, trường có gần 600 học sinh lớp 9. Nhận thức được tầm quan trọng và tính cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT sắp tới, nhất là sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29/2024, ban giám hiệu nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục sát tình hình thực tế.
Không chỉ ở không gian lớp học, học sinh cuối cấp còn được thầy cô khuyến khích ôn tập các môn qua ứng dụng OLM với nhiều tính năng tiên tiến như dạy trực tuyến, kho đề, bài giảng trực tuyến… Qua phần mềm OLM, học sinh biết mình làm đúng bao nhiêu %, thầy cô cũng thống kê được học trò sai nhiều nhất ở phần nào để chữa cho các em.
Đặc biệt, để đồng hành cùng sĩ tử lớp 9, cuối tháng 3, nhà trường tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp với sự tham gia của đại diện các trường THPT công lập trên địa bàn quận, một số trường ngoài công lập và trường nghề. Qua quá trình tìm hiểu thông tin, lắng nghe tư vấn tại các gian hàng, phụ huynh có thêm góc nhìn để có thể đồng hành cùng trẻ trong lựa chọn ngôi trường THPT phù hợp.
“Muốn ôn tập đạt hiệu quả cao giai đoạn này, các em nên lập kế hoạch cụ thể cho từng môn học và đặt mục tiêu theo tuần, tháng và năm học. Đồng thời xây dựng phương pháp học tập khoa học, đảm bảo nắm chắc kiến thức nền tảng, tránh học tủ, học vẹt. Học sinh cần biết luyện đề một cách thông minh nhất, bắt đầu từ dễ và tăng dần độ khó, bám sát cấu trúc đề thi theo chương trình mới”, cô Thúy Quỳnh lưu ý thêm.
Năm học này, Trường THCS Lý Nam Đế (Nam Từ Liêm) có 130 học sinh lớp 9. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Thảo, kể từ khi áp dụng quy định mới của Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm học thêm, nhà trường kêu gọi thầy cô dạy Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh lớp 9 miễn phí cho học sinh mỗi môn 2 tiết; Ban giám hiệu có chuyên môn của môn nào vào dạy thêm mỗi lớp 2 tiết, 1 tuần được khoảng 8 tiết dạy miễn phí.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức truy bài đầu giờ cho học sinh 20 phút mỗi ngày. Xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn học sinh tự học ở nhà, thầy cô giải đáp thắc mắc cho học trò liên quan đến những dạng bài tập khó hoặc tư vấn tâm lý, tránh hoang mang trước kỳ thi quan trọng. Công tác tư vấn hướng nghiệp để học sinh căn cứ vào sức học lựa chọn con đường phù hợp sau tốt nghiệp THCS cũng được triển khai mạnh mẽ.
Để đạt mục tiêu giúp học trò lớp 9 vượt qua kỳ thi vào lớp 10, cả thầy cô và phụ huynh Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm) thống nhất phối hợp chặt chẽ, tất cả vì tương lai con em.
Chia sẻ cách làm của nhà trường, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Hồng nhấn mạnh đến việc khảo sát hằng tháng ở các môn, nhất là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh để các em làm quen với cấu trúc đề minh họa cũng như kỹ năng làm bài. Thời điểm đầu tháng 4, nhà trường tổ chức gặp gỡ phụ huynh để tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối 9. Tham dự có đại diện một số trường tư thục, trường nghề trên địa bàn Hà Nội.
Với 270 học sinh lớp 9 theo học, bà Đặng Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì) thông tin: Ngoài việc phối hợp với phụ huynh để cùng đôn đốc học sinh tích cực học tập, nhà trường tăng cường thời lượng và chất lượng ôn thi miễn phí, hướng dẫn học sinh cách tự học, tự ôn tập.
“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, đánh giá các môn theo định hướng thi tuyển sinh năm 2025 của Sở GD&ĐT Hà Nội. Phân loại học sinh để có phương pháp, nội dung dạy học phù hợp. Ban giám hiệu, giáo viên dạy ôn thi cùng giao lưu, trao đổi chuyên môn với Trường THCS Thành Công (Ba Đình) và các trường bạn trong huyện để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng giáo dục”, bà Hà trao đổi.
Tại Trường THCS Phú La (Hà Đông), thực hiện Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn tập cho các em để chuẩn bị ôn thi vào lớp 10. Hiện giáo viên trong trường tình nguyện ôn thêm cho học sinh không tính phí theo hướng dẫn của thành phố.
Trong các giờ chính khóa, thầy cô chú trọng tăng cường kiến thức lý thuyết và kỹ năng làm bài, giao đề kiểm tra theo cấu trúc đề thi mới của Sở GD&ĐT Hà Nội. Học sinh cũng chủ động chia nhóm để tự ôn tập các môn, phần nào khó có thể hỏi thêm thầy cô, nhất là môn Ngữ văn vì tùy vào khả năng cảm thụ văn học ở nhiều thể loại văn bản khác nhau.
“Nhằm động viên tinh thần học sinh, nhà trường đã tổ chức nhiều chuyên đề nâng cao năng lực tự học, tự chủ để vượt qua kỳ thi. Các thầy cô kết hợp với chuyên gia giáo dục, cha mẹ học sinh sẵn sàng tư vấn, tháo gỡ khúc mắc, lo lắng của các em trước kỳ thi quan trọng. Năm nay, tính cạnh tranh để vào lớp 10 công lập khá cao, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh phải thực sự tỉnh táo”, Hiệu trưởng Trần Thị Lệ Hà nhấn mạnh.
Gắn bó với giáo dục Thủ đô nhiều năm qua, ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa) chia sẻ: Nhà trường sẵn sàng mở cửa từ 19 giờ - 21 giờ trước ngày thi 6 tuần để học sinh có nguyện vọng có thể tới trường tự ôn tập với khẩu hiệu ‘Tối đến trường tự ôn, vượt vũ môn không khó’. Học sinh đăng ký với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường sẽ chuẩn bị các điều kiện về phòng học, ánh sáng, quạt/điều hòa, camera giám sát. Thầy cô sẽ đồng hành để các em có được hành trang tốt nhất cho kỳ thi.