Cuộc đời cậu học trò nghèo Trần Quang Vương sang trang nhờ giáo dục

Hoàng Hà | 05/11/2023, 06:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Dù trải qua nỗi đau mất người thân chỉ hai tháng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, Trần Quang Vương vẫn có thể đứng lên và tiến về phía trước nhờ vô vàn cánh tay đưa ra giúp đỡ em cùng Học bổng Chắp cánh ước mơ từ RMIT Việt Nam.

“Mọi thứ đều vụn vỡ và em không còn muốn làm gì nữa” là những gì Vương cảm thấy khi em gái, người Vương luôn xem như một người bạn thân thiết, qua đời trong một vụ tai nạn giao thông chỉ hai tháng sau khi ba em mất.

Và đó không phải là nghịch cảnh đầu tiên trong cuộc đời em.

hinh-1(1).jpg
Vương tốt nghiệp trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Ba mẹ chia tay năm em sáu tuổi. Vương ở với người cha tật nguyền và cô em gái nhỏ hơn mình hai tuổi, còn bé út thì theo mẹ. Mãi đến năm tám tuổi, cậu bé mới có cơ hội đến trường vì với gia đình em lo được tiền để trang trải cho cuộc sống. Ngay từ nhỏ Vương đã phải làm việc vất vả để phụ gia đình kiếm miếng ăn.

Song nhờ có bà ngoại, cô, những người họ hàng và cô giáo sống gần đó, cũng như nhiều mạnh thường quân khác, Vương có cơ hội theo đuổi hành trình học vấn mà cậu chưa bao giờ có ý định từ bỏ, dù trải qua bao vất vả lo toan trong cuộc sống.

Cô Lê Thị Lùng, cô giáo chủ nhiệm lớp 12 của Vương, khen ngợi ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống của em.

“Ở độ tuổi tươi đẹp và tràn đầy sức sống, Vương phải lăn lộn, bươn chải với đời và tài sản em không có gì ngoài nghị lực và khát khao được đi học”, cô chia sẻ.

hinh-2.jpg
Trần Quang Vương  (đứng giữa) nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ RMIT.

Dẫu cảnh đời khó khăn, Vương vẫn luôn xem mình là một người may mắn vì vẫn có thể đến trường.

“Nhiều người trong họ hàng em còn không được đi học”, Vương nói.

“Ước mơ lớn nhất của em là học hết đại học. Việc học giúp em mở mang kiến thức và em muốn dùng kiến thức đó để giúp bản thân trở thành người có ích, tự nuôi sống bản thân, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, và giúp đỡ người khác”.

Quản trị du lịch và khách sạn là ngành học mà Vương hằng mơ ước. “Em tin rằng em có thể đi đến nhiều nơi, học hỏi nhiều điều mới và tạo ra được những trải nghiệm thú vị cho người khác khi làm việc trong ngành này”, Vương nói.

“Khi ba rồi em gái qua đời, em tự nhủ với bản thân rằng nếu từ bỏ, em sẽ phụ lòng quan tâm sâu sắc và không ngừng nghỉ của nhiều người dành cho em”.

Từ đó, Vương đã tự vực dậy, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT và may mắn được giới thiệu đến với Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT.

Khi biết đến học bổng, Vương phải chuẩn bị mọi giấy tờ cần thiết và đem đi dịch thuật chỉ trong vòng một tuần trước hạn.

Và may mắn đã mỉm cười, Vương bật khóc khi nhận thư xác nhận học bổng trong hộp mail. “Ở hoàn cảnh của mình, em lấy quyết tâm, khát vọng và tuổi trẻ làm tài sản. Em tin rằng học bổng ý nghĩa mà em được trao này sẽ là cánh tay, đồng hành giúp em thực hiện ước mơ và tiếp thêm động lực để em và các bạn trẻ khác tin rằng hãy sống đẹp và vươn lên thì sẽ có con đường rộng mở phía trước”, Vương chia sẻ.

Cậu học sinh hiện đang hào hứng bắt đầu khóa học tiếng Anh để chuẩn bị cho chương trình đại học.

Vương là một trong sáu sinh viên nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT năm nay. Học bổng thường niên này bao gồm toàn bộ học phí chương trình tiếng Anh và đại học, cũng như một máy tính xách tay và tiền sinh hoạt hàng tháng.

Học bổng thể hiện mạnh mẽ cam kết của trường trong việc kiến tạo tác động lên cộng đồng bằng cách đem đến cơ hội thay đổi cuộc đời cho những học sinh-sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn, những bạn trẻ có tính cách tích cực và khát khao được đi học đại học./.

Bài liên quan
RMIT củng cố vị thế là trường đại học hàng đầu thế giới
(GDTĐ) - RMIT xếp thứ 251 trong Bảng xếp hạng Đại học thế giới năm 2024 của Times Higher Education (THE), tăng 59 bậc trên toàn cầu. Kể từ năm 2016, RMIT đã tăng hơn 300 bậc.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc đời cậu học trò nghèo Trần Quang Vương sang trang nhờ giáo dục