Cuộc thi là cơ hội bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ với thầy cô

Ngô Chuyên | 15/11/2022, 14:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – thành viên Ban giám khảo:chia sẻ về cuộc thi “Viết về thầy cô và mái trường”

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam – thành viên Ban giám khảo: “Được mời làm thành viên ban giám khảo cuộc thi “Viết về thầy cô và mái trường” tưởng chừng không khó mà hóa ra rất khó.

Không khó ở chỗ tôi là nhà giáo; tôi cũng từng có thời gian giảng dạy rất dài và đã từng trải nghiệm, chứng kiến rất nhiều những tình huống sư phạm; câu chuyện về nghề dạy học; cuộc sống học đường… Vì thế, có lẽ cuộc thi sẽ không có gì bất ngờ và làm khó được tôi.

Tôi đã lầm, bởi khi đọc những tác phẩm dự thi tôi lần lượt bị dẫn dắt qua nhiều tình huống bất ngờ. Những câu chuyện tưởng như cổ tích giữa đời thường và cuộc thi đã thật sự làm khó tôi, làm khó Ban giám khảo”.

Ông Ân cũng cho biết thêm, số lượng bài thi nhiều; tình huống sư phạm được tiếp cận đa diện, đa chiều; cách thể hiện, ngôn ngữ, văn phong độc đáo. Những câu chuyện rất đẹp, hồn hậu được nối dài và hiện lên như một bản tình ca mang nhiều cảm xúc về người, về nghề…. Tất cả đã dẫn dắt người xem đến với những tấm gương nhà giáo tận tụy, mẫu mực.

Những câu chuyện nặng nghĩa, thắm tình mà bất cứ ai đã từng ngôi trên ghế nhà trường đều cảm nhận được, những ai quan tâm tới ngành giáo dục mới thấy hiểu, thông cảm, sẻ chia.

Theo ông Ân, những câu chuyện về thầy cô và mái trường có lẽ là đề tài không hề khó nhưng chắc chắn không phải ai cũng có câu chuyện để kể. Chỉ có những người thật sự trân trọng sự học; người biết kính trọng giá trị của nhà giáo; trao truyền tri thức, lẽ sống, tận tâm uốn nắn, bao dung, che chở để rồi tự ngắm nghía thành quả với hai tiếng “trưởng thành” mà không hề so đo, tính toán thiệt hơn.

“Và vì thế, tôi đọc các bài viết, dù ngắn hay dài; đánh máy thận trọng hay viết tay chân thành; có lỗi chính tả hay phương ngữ vùng miền với tôi điều đó không quan trọng; quan trọng là cái tình, cái nghĩa trong từng con chữ trên từng trang giấy”, ông Ân bày tỏ và nói thêm: “Tôi trộm nghĩ các tác giả gửi tác phẩm tham dự được giải hay không được giải không quan trọng, quan trọng là ban tổ chức cuộc thi đã tạo cơ hội cho họ nói lên tình cảm, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ với thầy cô – thần tượng của chính họ.

Có những thầy cô có thể còn đang theo dõi, nâng bước họ, cũng có thể có những thầy cô đã đi theo những áng mây vàng… thì những câu chuyện ấy đã được viết ra, được lan tỏa như những thông điệp nặng nghĩa, đượm tình bởi những người được giáo dục và luôn mang trong mình hai tiếng biết ơn”.

Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: “Được tham gia Ban giám khảo với tôi tình yêu nghề như được nhân lên nhiều lần, sự sẻ chia như được thôi thúc qua mỗi trang viết, ý thức trách nhiệm thật nặng nề thêm sau mỗi lần hạ bút xếp hạng A, B, C.

Một mùa giải đi qua như bao mùa giải khác, Ban tổ chức tận tâm, Ban giám khảo khách quan, công minh, số lượng tác phẩm tham gia ngày một nhiều; chất lượng ngày càng cao.

Bản thân tôi đã lưu file tất cả các tác phẩm dự thi mà tôi được chấm để mỗi khi ai đó, ở đâu đó, tình yêu nghề bị bào mòn, năng lượng sống bị hao hụt, tôi sẽ cho họ đọc, cho họ suy ngẫm.

Theo Ngô Chuyên

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc thi là cơ hội bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ với thầy cô