Nhìn cuốn nhật ký với những dòng chữ chi chít cảm xúc tiêu cực, chị D. không ngờ chuyến đi trại hè lại trở thành nỗi ám ảnh quá lớn đối với con.
Hối hận thay vì háo hức
“Ghét đi trại hè ở đây, từ giờ sẽ không đi trại hè nữa. Quá tệ”.
“Bể bơi toàn sỏi to đùng, sắc, làm người ta bị thương, không bao giờ muốn quay lại”.
“Nhà vệ sinh nhiều bọ chết. Ghét mọi thứ”.
“Hôm nay là một ngày rất tệ, có nhiều côn trùng và em bị muỗi đốt rất nhiều”.
Đọc những dòng nhật ký của 2 con và các bạn sau khi trở về từ trại hè Làng Háo Hức, chị M.D. (ở Hà Nội) thắt lòng bởi không nghĩ chuyến đi trải nghiệm mình dành nhiều tâm sức lựa chọn cho con như một món quà lại trở thành nỗi ám ảnh của các con.
Chị D. cho biết, ngay sau khi đọc những dòng nhật ký, chị đã liên hệ với đại diện đơn vị chị mua khóa trại hè – để phản ánh. Tuy nhiên, phía đơn vị này gần như không tiếp thu ý kiến.
Phản ánh thông tin nhằm mang tính xây dựng nhưng người mẹ nhận về sự thất vọng.
Tình cờ, ngày 3/7, đọc được câu chuyện của một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ về việc con bị bắt nạt, ở trong môi trường mất vệ sinh tới mức phải đi điều trị da liễu sau khi trở về từ trại hè này, chị D. nhận được nhiều lời hỏi thăm về các con của chị.
Người mẹ này quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để các bậc cha mẹ cân nhắc khi cho con đi trại hè. “Cho con đi háo hức bao nhiêu thì khi con về tôi hối hận bấy nhiêu”, chị D. nói.
Ngày 4/7, trao đổi với phóng viên Dân trí, chị M.D. kể, chị và một số người bạn cùng đăng ký cho con đi trải nghiệm ở Làng Háo Hức đợt ngày 13-16/6. Nhóm gồm 6 trẻ.
Chi phí ban đầu là 5,8 triệu đồng/bé khóa 4 ngày 3 đêm. Tuy nhiên, chị D. đăng ký theo nhóm, được giảm 20% nên còn 4,6 triệu đồng/bé. Tính ra chi phí cho mỗi ngày ăn ở là hơn 1 triệu đồng.
Theo chị D., với mức phí này, phụ huynh không thể chấp nhận được điều kiện ăn ở như các con và nhiều bà mẹ khác phản ánh.
Những ngày tham gia trải nghiệm, 2 con của chị D. và các bạn không được liên lạc về nhà. Cuối mỗi buổi, người phụ trách của các con sẽ thông tin về các hoạt động trong ngày đến phụ huynh.
Chị D. cứ an tâm nghĩ rằng, con mình có những ngày nghỉ hè ý nghĩa. Nhưng khi 2 con và các bạn trở về, bé nào cũng khẳng định sẽ không bao giờ đi trại hè nữa.
“Con tôi còn nói, nếu sang năm mẹ cho con đi trại hè nữa là con giận mẹ đấy”, chị D. cho hay.
Khi được hỏi về các hoạt động trải nghiệm, con của chị D. cùng các bạn đưa ra những đánh giá như "bình thường", "không thích lắm". Bà mẹ cho rằng, các con thường ngày quen dùng điện thoại, xem ti vi… nên việc không có các thiết bị bên mình sẽ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái.
Bỏ qua các hoạt động trải nghiệm, điều chị khiến chị D. không hài lòng là nơi sinh hoạt cũng như chỗ ngủ nghỉ và khu vệ sinh của các con rất mất vệ sinh, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bé.
Cho các con đi trải nghiệm cuộc sống ở làng quê, chị D. và bạn bè xác định sẽ không đòi hỏi nơi ăn chốn ở phải sạch bong như các khách sạn, nhà nghỉ khi đi du lịch, song chí ít, điều kiện vệ sinh phải đảm bảo.
“Các con tôi đều nói là nhà vệ sinh bẩn, nhiều bọ gậy, côn trùng, phân của gián... Cả nhóm đều nhịn đi vệ sinh nặng cho tới lúc về nhà. Màn ngủ bị thủng nên các con bị muỗi cắn nhiều”, chị D. cho hay.
Chị D. cảm thấy rất áy náy khi nghe chia sẻ của các con: “Các con đi với tâm thế háo hức nhưng khi trở về thì chân tay và người như hoa gấm.
Chưa kể bạn của con ngay ngày đầu bị ngã ở bể bơi phải khâu 3 mũi do nhiều sỏi đá xung quanh. Đây cũng là một bài học cho bản thân tôi dù tôi đã tìm hiểu tương đối kỹ mới quyết định cho con đi. May mắn con tôi không bị bắt nạt, hay phải đi bệnh viện khám như con của phụ huynh khác”.
"Tôi đã đặt niềm tin sai chỗ"
Người mẹ cũng cảm thấy hối hận vì đặt niềm tin sai chỗ. Từ câu chuyện của mình, bà mẹ trẻ cho rằng, mô hình trải nghiệm trại hè rất hay song cần được thực hiện chuyên nghiệp, chỉn chu hơn, đề cao yếu tố an toàn của trẻ.
"Tôi hy vọng, thông qua câu chuyện của mình, các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, nhằm mang lại những khóa hè ý nghĩa, an toàn và chất lượng hơn trong tương lai, tránh ảnh hưởng đến những mô hình uy tín khác", chị D. nói.
Ngoài ra, bà mẹ này cũng cho rằng, khi tìm trại hè cho con, các bậc phụ huynh nên nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin liên quan, hỏi ý kiến từ những người đã trải nghiệm trước, đọc các đánh giá.
Các bà mẹ không nên đặt quá nhiều niềm tin vào các chương trình có người nổi tiếng quảng bá hoặc tham gia tổ chức, cần phải xác minh thực tế; cân nhắc số lượng trẻ, nếu số lượng quá đông, ban tổ chức có thể không đảm bảo được chất lượng và an toàn cho các con.
Trải nghiệm không như ở nhà giúp các con biết ơn?
Trước đó, phản ánh đến Dân trí, chị C.N.L (Hà Nội) cho biết, mới đây nhân dịp các con nghỉ hè nên đã đăng ký cho con trai 10 tuổi và con gái 12 tuổi tham gia trại hè tại Làng Háo Hức xã Phúc Tân, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên, để trải nghiệm với tổng chi phí là 18,7 triệu đồng.
Theo chị L., mục đích ban đầu khi cho hai con tham gia trại hè là để các bé có thêm trải nghiệm thực tế, học hỏi về thiên nhiên và kết nối bạn bè.
Tuy nhiên khác với những mong chờ của chị về ngày đón các con về, chị L, hoảng hốt khi các con trở về với cơ thể đầy nốt mẩn ngứa.
Theo lời kể của cháu D. con trai chị, bé được sắp xếp ở cùng 30 bạn nam khác trong một nhà sàn chật chội, với khu vệ sinh không rõ ràng về số lượng. Môi trường sinh hoạt thiếu vệ sinh đã khiến cháu bị sẩn ngứa nghiêm trọng, nổi mẩn li ti khắp người, nhà vệ sinh bẩn khiến con không dám đi vệ sinh trong suốt 8 ngày ở trại.
Sau khi kết thúc trại hè, chị L. đã lập tức đưa con đi khám và điều trị tại cơ sở y tế khi cơ thể nổi đầy sẩn ngứa.
Không dừng lại ở việc vệ sinh bẩn khiến trẻ ngứa, không dám đi vệ sinh, con trai chị còn kể lại cháu bị bắt nạt bởi bạn cùng trại – bị đánh vào ngực, đạp vào bụng, chửi bới và đe dọa tinh thần, nên không dám báo cáo lại với người quản lý trong trại.
Một nam sinh khác lớn hơn con trai chị, khoảng 15 tuổi, đã bế và ôm cháu D., sờ má và có những lời nói không phù hợp.
“Tôi thật sự lo lắng không biết con mình đã trải qua những gì khi trải nghiệm tại đây”, chị L. nói.
Tương tự, chị M. một phụ huynh khác ở (Hà Nội) có hai con 10 và 12 tuổi, tham gia trại hè cùng nơi với con chị L. kể lại, con chị tham gia trại hè diễn ra từ ngày 8 đến 13/6 với mức phí hơn 12 triệu đồng sau khi được giảm giá.
Theo chị M., một trong những vấn đề lớn nhất là trại đã tiếp nhận số lượng học sinh vượt quá khả năng đáp ứng. “Theo cá nhân tôi nghĩ, trại không đủ điều kiện để phục vụ số lượng các cháu lớn như vậy nhưng vẫn cố nhận. Vài khu nhà tranh chỉ phù hợp cho 30-50 cháu, nhưng đợt con tôi đi có tới 120 cháu”, chị cho hay.
Phóng viên Dân trí đã tìm cách liên hệ với đại diện có liên quan đến Làng Háo Hức tuy nhiên chưa nhận được phản hồi.
Ngày 4/7, trang fanpage Làng Háo Hức đăng tải một bài viết dài chia sẻ về các hoạt động trải nghiệm tại cơ sở này ở Thái Nguyên, mục đích ý nghĩa trại hè, điều kiện ăn ở của các trại sinh (trẻ em tham gia trại hè)... Bài đăng cũng chia sẻ lời xin lỗi đến phụ huynh, cùng những bạn nhỏ về những trải nghiệm chưa trọn vẹn.
Tuy nhiên, phía dưới bài đăng, nhiều bình luận của các bậc cha mẹ vẫn bày tỏ sự không đồng tình với cách giải thích không đúng trọng tâm của đơn vị này.
Nội dung bài đăng nói về hình thức tổ chức, cách xây dựng trại hè, phòng chống muỗi, thực phẩm, bữa ăn… nhưng không có câu trả lời vào đúng những lời tố của phụ huynh như: Các em tham gia trại hè phải “nhịn” đi đại tiện hay người điều phối thiếu kinh nghiệm…
“Cách trả lời này mang tính bao biện, không tiếp thu những vấn đề phụ huynh quan tâm. Ngay từ đầu đơn vị đã không thiện chí lắng nghe góp ý của phụ huynh. Đơn vị tổ chức chỉ đề cập được một phần trong số hàng loạt thắc mắc của những người đã mua trại hè để con có thêm trải nghiệm”, một phụ huynh bày tỏ.
Đơn vị này giải thích rằng, những tiện ích ở trại hè không thể so sánh được như ở nhà hay các khu resort, nghỉ dưỡng. Trải nghiệm không như ở nhà sẽ giúp các con thêm sự trân trọng và biết ơn những gì mình đang được hưởng thụ từ công sức và nỗ lực của cha mẹ.
Dù đã chú trọng duy trì vệ sinh và công năng tại các khu vực nhà tắm, nhà vệ sinh, đơn vị này thừa nhận vẫn còn tồn tại một số bất tiện do các tiện ích dùng chung và số lượng trẻ sử dụng đông vào giờ cao điểm.
Đáp lại quan điểm này, cư dân mạng cho rằng, điều kiện sống có thể không thoải mái như ở nhà hay khách sạn, không có nghĩa được phép có bọ gậy trong nhà vệ sinh hay môi trường kém sạch sẽ đến mức trẻ ám ảnh.
“Sợ nhất là nhà vệ sinh bẩn, người ta mất hơn 11 triệu cho con đi trải nghiệm mà không dám đi vệ sinh thật là kinh khủng”, tài khoản D.H. viết.
Trước ý kiến của khách hàng về việc giáo viên không giúp trẻ buộc tóc, giặt quần áo trong trại hè, phía tổ chức khẳng định: Mục tiêu của các chương trình trải nghiệm là giúp trẻ hình thành thói quen tự lập và có trách nhiệm với bản thân.
Liên quan đến bữa ăn và thực phẩm, đơn vị này cho rằng: "Việc một số phụ huynh chỉ nhìn qua ảnh chụp suất ăn do con tự lấy và có những đánh giá thiếu xác đáng về chất lượng bữa ăn là chưa hợp lý”.
Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, MC Nguyễn Minh Trang - người sáng lập Làng Háo Hức - đã có bài đăng lên tiếng về những lùm xùm sau hàng loạt phản ánh của phụ huynh liên quan đến cơ sở vật chất, điều kiện vệ sinh, việc đảm bảo an toàn cho các con... khi tham gia trại hè.
Người sáng lập cho biết, đơn vị tổ chức tiếp nhận tất cả các phản hồi từ phụ huynh để cải thiện, làm tốt hơn và đem đến trải nghiệm trọn vẹn hơn cho các con và gia đình.
"Từ vị trí một người sáng lập, đồng thời cũng là một người mẹ, mình xin được gửi lời xin lỗi chân thành và sâu sắc tới những trải nghiệm chưa trọn vẹn mà các bạn nhỏ, các phụ huynh và và gia đình từng có ở làng", nữ MC này cho hay.
Về phản ánh của một phụ huynh liên quan đến cơ sở vật chất và vệ sinh của địa điểm tổ chức trại hè Làng Háo Hức, MC Minh Trang cho biết đã liên hệ với phụ huynh và gửi lời xin lỗi trực tiếp.