Đối với nhóm tội danh này, Viện kiểm sát khẳng định, bị cáo Lương Văn Hóa là người giữ vai trò chính, có trách nhiệm cao nhất. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm với bị cáo Hóa.
Đối với nhóm cựu cán bộ tại Bộ Y tế, bị cáo Dương Huy Liệu, Nguyễn Nam Liên và Phạm Thị Minh Nga được giao nhiệm vụ ký kết, theo dõi việc thực hiện, thanh quyết toán hợp đồng sản xuất thuốc giữa Bộ Y tế và Công ty Dược Cửu Long. Song, quá trình thực hiện hợp đồng và khi thanh lý hợp đồng đã không xem xét, kiểm tra việc thực hiện điều khoản đàm phán, giảm giá mua nguyên liệu.
Riêng ông Cao Minh Quang được giao nhiệm vụ chỉ đạo định kỳ kiểm tra, đánh giá, tổng hợp tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc Tamiflu, nguyên liệu Oseltamivir và sản xuất thuốc dự trữ. Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, không chỉ đạo kiểm tra để làm rõ số tiền hơn 3,8 triệu USD Công ty Dược Cửu Long chưa thanh toán cho nhà cung cấp nguyên liệu nên không phát hiện doanh nghiệp này giữ lại, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Quá trình điều tra và xét xử tại tòa, ông Cao Minh Quang thành khẩn khai báo, nhận một phần trách nhiệm, đã nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên không nhất thiết áp dụng hình phạt tù, cho bị cáo hưởng án treo thể hiện tính nhân văn của pháp luật.
Cuối phiên xử ngày 21/11, ông Cao Minh Quang đứng dậy trình bày "sức khoẻ rất kém và nay vẫn cố chấp hành lệnh triệu tập của toà để đến khai báo". Ông phải đeo dụng cụ theo dõi của bệnh viện, nhưng giờ sức khoẻ yếu hơn nên mong HĐXX cho phép quay lại bệnh viện để theo dõi.
Chủ tọa sau đó đồng ý cho ông Quang rời phòng xét xử để nghỉ ngơi và nếu sức khoẻ không đảm bảo sẽ xem xét sau.
Tại phiên tòa sáng 22/11, ông Cao Minh Quang vắng mặt, đã ủy quyền cho người bào chữa thay mặt tranh luận.