Đánh giá nhiều lần, vì sự tiến bộ của người học
Chia sẻ kinh nghiệm triển khai, cô Lê Thị Thu Hồng, GV Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), cho biết mình và đồng nghiệp trong trường thực hiện đánh giá thường xuyên trong cả quá trình dạy học; có thể thực hiện kiểm tra đồng loạt cả lớp, hoặc kiểm tra lần lượt với từng HS, nhóm HS. Các phương pháp, hình thức đánh giá thường xuyên cũng đa dạng, như: Hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập và có thể tiến hành trực tuyến hoặc trực tiếp.
Cô Lê Thị Thu Hồng đưa ví dụ khi giao nhiệm vụ cho một nhóm HS về nhà tìm hiểu một nội dung của bài mới thông qua phiếu học tập. Trong tiết học sau đó, đại diện nhóm HS lên trả lời phần chuẩn bị ở nhà của cả nhóm; các nhóm khác có nhiệm vụ đặt câu hỏi đánh giá, phản biện. GV đánh giá điểm nhóm thông qua bài thuyết trình, sản phẩm học tập đã chuẩn bị, khả năng trả lời các câu hỏi phản biện… tùy theo mức độ đóng góp, tìm hiểu của các thành viên trong nhóm để cho điểm đánh giá thường xuyên. Trong quá trình giảng dạy kiến thức trên lớp, GV cũng dễ dàng đánh giá thường xuyên HS thông qua hệ thống câu hỏi nêu vấn đề, câu hỏi củng cố. Qua đó, tùy theo mức độ giải quyết vấn đề của HS, GV có thể cho điểm tốt (điểm cộng), hoặc cho điểm kiểm tra thường xuyên.
“Mục đích của chúng tôi trong đánh giá thường xuyên để HS thấy được khả năng của mình trong quá trình học tập; từ đó khuyến khích các em nỗ lực học tập để tiến bộ. Do đó, chúng tôi đánh giá thường xuyên nhiều lần trong một học kỳ. Lần đầu, nếu HS thực hiện chưa tốt thì có thể cố gắng khắc phục trong lần sau. Đánh giá thường xuyên cũng giúp GV thấy được những khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức của học trò, từ đó điều chỉnh hoạt động dạy và học sao cho tốt nhất”. -
Cho biết điều này, cô Lê Thị Thu Hồng chia sẻ kinh nghiệm đổi mới đánh giá thường xuyên với việc đa dạng các hình thức dạy học (dạy học trên lớp, học tập ở nhà, tham quan học tập, hoạt động nhóm, thảo luận, thực hành thí nghiệm). Khi đó, GV mới có nhiều sản phẩm học tập, nhiều hình thức để đánh giá thường xuyên đối với HS; lấy HS làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các em tiếp thu cũng như trình bày kiến thức mình có được.
Với thầy Trang Minh Thiên, cách đánh giá thường xuyên được thầy áp dụng là đánh giá quá trình học tập của HS trong suốt học kỳ, ghi nhận sự tiến bộ và cố gắng của HS khi tham gia các hoạt động học trên lớp; đánh giá qua các sản phẩm học tập (sản phẩm của dự án STEM, bài thuyết trình…); khuyến khích trò dành thời gian tham gia các khóa học online về những chủ đề có liên quan đến môn học và tóm tắt lại nội dung để chia sẻ cho lớp...
Để thực hiện hiệu quả các giải pháp này, thầy Thiên cho rằng: Đánh giá quá trình đòi hỏi GV phải có sự quan sát, ghi nhận tỉ mỉ để không đánh giá sai năng lực và bảo đảm công bằng khách quan cho HS. Đánh giá qua các sản phẩm học tập, GV phải có thời gian đầu tư soạn giảng, xây dựng các dự án học tập và phương án đánh giá phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh đó, thầy cô cần có sự chuẩn bị và trao đổi thật kỹ để các em có thể quan sát, nhận xét các bạn thật sự chính xác và cùng nhau thúc đẩy việc học. Cuối cùng, để HS dành thời gian tham gia các khóa học online về chủ đề liên quan đến môn học, trước hết GV phải là người tiên phong tự học, bồi dưỡng để có thể nắm bắt, thấu hiểu được những nội dung nào là cần thiết và phù hợp với HS của mình.