Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, chậm giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn không đạt kế hoạch đề ra cho thấy sự lãng phí kéo dài. Bởi, nếu đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, sẽ là động lực cho tăng trưởng, mở ra cơ hội phát triển cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực. Nhắn đến gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần đặt mục tiêu cụ thể về tiến độ giải ngân.
Vị đại biểu đoàn TP HCM đề nghị Chính phủ sớm xây dựng lộ trình cải cách tiền lương. "Vừa qua tại TP HCM, chúng tôi đi gặp nhiều công nhân, người lao động, làm việc nhiều năm ở doanh nghiệp, đóng đủ bảo hiểm xã hội nhưng khi về hưu chỉ nhận mức lương 2,5 đến 3 triệu đồng/tháng, sống sao được" - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ.
Cùng quan tâm đến vấn đề tiền lương, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đánh giá đây là một trong những tồn tại "bền vững", bởi sau nhiều năm, mức lương nhiều đối tượng vẫn không đủ sống. Tuy nhiên, bà Lan cũng thẳng thắn chỉ rõ mức đóng bảo hiểm xã hội của nước ta hiện nay thấp, nhưng muốn tăng mức đóng không dễ.
Việc tăng lương cơ bản, theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng còn những bất cập. Mỗi lần tăng lương cơ sở ở mức vài trăm ngàn đồng, những người trẻ, cần phải tích lũy để xây dựng gia đình thì hưởng mức thấp do hệ số thấp; chỉ những người hệ số cao thì mức tăng lương mới đáng kể.
"Khi tính lương theo hệ số, những người làm việc cống hiến, đột phá nhưng hệ số thấp, nhận về tiền lương không cao. Trong khi những người làm việc tà tà nhưng lâu năm, có hệ cao, lương tố hơn" - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói và cho rằng cần nghiên cứu để chính sách tiền lương phù hợp hơn.
Trong báo cáo kinh tế - xã hội gửi Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ cho biết sẽ sớm trình cấp có thẩm quyền lộ trình cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 Trung ương và xây dựng phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2023/NĐ-CP tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng từ ngày 1-7-2023.