Đại biểu Quốc hội mong giá trần sách giáo khoa không quá cao

Minh Phong | 05/11/2022, 13:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội bàn thảo nhiều dự án Luật quan trọng, trong đó có Luật Giá (sửa đổi).

Bảo đảm hài hòa lợi ích và hướng đến học sinh

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng, hàng dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước. Như vậy, SGK không thuộc các mặt hàng trên. Khi ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội chỉ có quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK, không quy định SGK là mặt hàng Nhà nước định giá.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, mấy năm qua có nhiều doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân đã tham gia biên soạn, xuất bản SGK. Để hài hòa các yêu cầu, bà Thúy đề xuất hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK: Chỉ định giá với SGK do doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Thông thường, người ta chỉ có thể định giá tài sản thuộc sở hữu của mình, hoặc là mặt hàng do mình sản xuất ra.

Vì vậy, nếu định giá, Nhà nước chỉ có thể định giá đối với SGK của doanh nghiệp Nhà nước. Quy định như vậy cũng không lo SGK của doanh nghiệp tư nhân sẽ có giá cao hơn. Vì một mặt, SGK của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá, mặt khác, doanh nghiệp cũng phải tham chiếu giá SGK của doanh nghiệp Nhà nước để có tính cạnh tranh.

Ngoài ra, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có SGK. Giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh. Quy định này sẽ nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành.

Tại Tọa đàm “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Theo quy định hiện hành, SGK là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình. Thời gian qua, chúng ta làm tốt công tác này. Qua các lần kê khai giá của nhà xuất bản so với lần công bố đầu tiên, các bộ sách đều giảm từ 3 - 9%.

Tuy nhiên, chúng ta thống nhất rằng, kê khai giá thì đều là thực hiện hình thức quản lý Nhà nước gián tiếp hoặc trực tiếp. Hiện nay, chúng ta có khoảng 17,5 triệu học sinh sử dụng trực tiếp mặt hàng đặc biệt này. Qua nghiên cứu, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ Tài chính tham mưu đề xuất với Chính phủ nghiên cứu đưa mặt hàng SGK do Nhà nước định giá.

Thứ trưởng nhắc lại, tại Kỳ họp thứ 3, khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63, quy định SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản với mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đặt vấn đề, làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK. Tới đây, Bộ GD&ĐT tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách để hoàn thành mục tiêu đề ra.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dai-bieu-quoc-hoi-mong-gia-tran-sach-giao-khoa-khong-qua-cao-post614253.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dai-bieu-quoc-hoi-mong-gia-tran-sach-giao-khoa-khong-qua-cao-post614253.html
Bài liên quan
Nóng trong tuần: Vấn đề giá sách giáo khoa, cơ sở giáo dục đại học tăng hạng thế giới
Tuần qua, vấn đề giá SGK; Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 1895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cơ sở giáo dục Đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng thế giới;... nhận nhiều quan tâm của dư luận.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu Quốc hội mong giá trần sách giáo khoa không quá cao