Ngày 05/10/2023 Công ty Hòa Bình khánh thành đoạn đường mẫu cao tốc và tiến hành thử tải (thử tải tĩnh, thử tải động, thử tải nước). Con đường bao gồm: hai hàng cừ bê tông chắn 2 bên phạm vi con đường dày 60mm và sâu 3m có tác dụng ngăn ngừa được động đất cấp 8 (khu vực triển khai có khả năng xảy ra động đất cấp 5, cấp 6), tuyến cừ còn có tác dụng ngăn nước ngấm vào nền đường gây hư hỏng đường (khu vực có khí hậu mùa khô và mùa mưa, vào mùa mưa thì nguy cơ sói mòn sạt lở cao do lượng mưa lớn và lượng nước từ trên cao đổ xuống).
"Quá trình thử tải các giai đoạn đã đưa ra được kết quả chất lượng và quy trình làm đường cao tốc mẫu của công ty Hòa Bình ưu việt về thiết kế, đạt chất lượng tốt, an toàn, hiện đại, bền vững, tuổi thọ vĩnh cữu", ông Đường khẳng định.
Theo vị đại gia này, để góp phần thu hút nhà đầu tư hai bên tuyến đường cao tốc, Công ty Hòa Bình sẽ tự bỏ chi phí đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng xã hội như: xây dựng thêm nhà máy nước sạch dọc hai bên tuyến đường để phục vụ nhu cầu tăng cao; Tổ chức xây dựng khu nhà ở xã hội mẫu phục vụ công nhân, quy mô nhà ở cao tối đa 17 tầng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạch, căn tin, dịch vụ, trường học… và giá bán tối đa là khoảng 12 triệu đồng cho 1 m2 sàn nhà ở.
Được biết, Dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa– Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Tuyến đường dài khoảng 140km, điểm đầu tại khu vực thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, điểm cuối tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, kết nối với điểm đầu của cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh) và điểm cuối của đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.
Tính toán sơ bộ nếu đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành ban đầu với 4 làn xe, bề rộng 17m (tương tự quy mô phân kỳ của dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, 2021 - 2025 và một số dự án đường cao tốc khác đang triển khai), vận tốc thiết kế 80 - 100km/h thì tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỉ đồng.
Mới đây, tại Công văn số 7420/VPCP – CN Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan Thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước) chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hoàn thành báo cáo thẩm định, trình Chính phủ trước ngày 30/9/2023.
Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành được triển khai theo phương thức PPP. UBND tỉnh Bình Phước kiến nghị áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.
Liên quan đến tuyến cao tốc này, vào đầu tháng 5/2022, liên danh Vingroup - Techcombank đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh Đắk Nông và Bộ Giao thông Vận tải đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Đường tự tin, với kinh nghiệm thi công các công trình cao tầng, công trình xây dựng cấp I, công trình chống động đất cấp 8 cấp 9 chỉ trong thời gian rất ngắn như dự án Golden Bay Đà Nẵng quy mô 2 tòa tháp căn hộ khách sạn cao 27 tầng, gồm 3 tầng tổ hợp trung tâm thương mại, casino, rạp chiếu phim…. 24 tầng căn hộ xây dựng trong 18 tháng, để phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Đà Nẵng 2017; Dự án Hà Nội Golden Lake tại B7 Giảng Võ có quy mô 24 tầng và 04 tầng hầm được xây dựng trong vòng 12 tháng, nếu được tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc – Nam, Công ty Hòa Bình đủ năng lực và kinh nghiệm để triển khai dự án với chất lượng tốt nhất, thời gian nhanh nhất và chi phí thấp nhất.