Giáo dục

Đại học không phải con đường duy nhất...

14/02/2025 15:30

Trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều học sinh ở Đắk Lắk tích cực tìm hiểu thông tin nghề nghiệp để lựa chọn hướng đi đúng.

Thay đổi nhận thức

Sở GD&ĐT Đắk Lắk vừa phối hợp tổ chức Ngày hội trải nghiệm hướng nghiệp năm 2025 cho học sinh THPT trên địa bàn. Tại đây, học sinh được tham gia lớp học tìm hiểu sâu về nghề nghiệp, việc làm cũng như các dự báo cơ hội phát triển của ngành, lĩnh vực trong tương lai. Từ đó, tự định hướng cho bản thân để đưa ra lựa chọn phù hợp.

Em Vũ Nguyễn Huyền Trân - lớp 12A4, Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) dự kiến thi vào ngành Y, Trường Đại học Tây Nguyên. “Trong quá trình học tập, thầy cô đã định hướng cho học sinh lựa chọn ngành nghề.

Tuy nhiên, qua trải nghiệm thực tế tại ngày hội với lớp học chuyên sâu giúp chúng em hiểu hơn về ngành nghề, từ đó lựa chọn đúng, tránh lãng phí thời gian, công sức đầu tư vào học tập”, Huyền Trân nói đồng thời khẳng định, được làm quen với các thiết bị y tế như máy đo huyết áp, ống nghe, dung dịch xét nghiệm giúp bản thân tự tin hơn trong việc ôn tập để đạt mục tiêu đề ra.

“Trước mắt, em tập trung ôn tập cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 để đạt điểm tốt nhất. Đồng thời, dành thời gian tìm hiểu, chuẩn bị hành trang cho việc vào học năm đầu đại học. Bởi, ngành Y vào được đã khó, thời gian học cũng kéo dài so với ngành khác, đòi hỏi người học có đủ sự chăm chỉ, trí tuệ mới trưởng thành”, Huyền Trân nói thêm.

Trong khi đó, nhóm bạn Phạm Đoàn Duy Khang và Nguyễn Phạm Tuyết Anh, Nguyễn Phú Hòa - lớp 11, Trường THPT Lê Quý Đôn (Đắk Lắk) cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết hay tìm hiểu trên mạng Internet, học sinh rất khó hình dung về vai trò, vị trí của từng nghề nghiệp, việc làm.

“Khi được tham quan các gian hàng với quá trình hình thành sản phẩm hay quy trình thực hiện công việc, mỗi người sẽ đối chiếu với năng lực học tập, sở thích, điều kiện để lựa chọn đúng”, nhóm của Duy Khang chia sẻ.

Sau khi trải nghiệm thực tế, Duy Khang quyết định chuyển từ lĩnh vực quản trị kinh doanh sang học kỹ thuật: “Khi đã hiểu yêu cầu của nghề, em sẽ tập trung nhiều hơn cho các môn học ở lĩnh vực kỹ thuật. Điều này tránh được dàn trải thời gian, tăng hiệu quả học tập. Quan trọng, bản thân tìm thấy niềm vui và đích đến trong học tập ngay từ lớp 11”.

lua-chon-dung-nghe-1.jpg
Học sinh THPT Đắk Lắk hào hứng với những thí nghiệm thực ở lĩnh vực y học. Ảnh: Thành Tâm

Đại học không phải con đường duy nhất

Gần 15 năm dạy học ở vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Lắk, thầy Hồ Quang Đạo - giáo viên môn Hóa, Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông) cho rằng, đại học không phải con đường duy nhất để thành đạt trong công việc.

“Em Nguyễn Văn Khắm (sinh năm 1998), hiện mở được chuỗi cửa hàng ăn uống khá nổi tiếng ở Hội An (Quảng Nam), Đà Nẵng. Trước đây, em Khắm học tương đối khá, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, thầy cô định hướng em đi học nghề nấu ăn và đã thành công.

Ngoài ra, nhiều em cũng thành công sau khi học nghề ngắn hạn như sửa chữa ô tô, may mặc, điện tử…”, thầy Đạo dẫn chứng và thông tin thêm, năm học 2024 - 2025, số học sinh của trường có dự định học đại học tăng nhưng chưa tới 40%. Nhiều em sau khi tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp, cơ hội phát triển trong tương lai đã chuyển sang chọn học nghề.

“Định hướng nghề nghiệp cần giúp các em thấy rõ sở thích, năng lực, thị trường lao động trong tương lai... Nếu sở thích cao nhưng năng lực chưa đạt thì rất khó khăn. Ngược lại, khi có năng lực nhưng lĩnh vực, nghề nghiệp trong tương lai ít có cơ hội phát triển cũng khó tìm việc làm”, thầy Đạo nói thêm.

Trong Chương trình GDPT 2018, ngoài các môn học bắt buộc và tự chọn còn có hoạt động hướng nghiệp, trải nghiệm giúp học sinh có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho tương lai bản thân.

Từ đó, thầy Nguyễn Đăng Bồng - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk), đưa ra lời khuyên: “Cùng với sở thích, năng khiếu, kiến thức các em có và trải nghiệm thực tế từ các lớp học chuyên sâu do sở GD&ĐT phối hợp với trường đại học tổ chức là điều kiện thuận lợi để hiểu bản thân, đưa ra lựa chọn đúng đắn. Bởi, chọn đúng ngành nghề, cơ hội thành công sẽ nhiều hơn”.

Chung quan điểm, TS Triệu Văn Thịnh - giảng viên cao cấp, Trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiều sinh viên học đại học theo kiểu “học đại”. Vì vậy, tư vấn hướng nghiệp cần thầy cô giáo, nhà trường quan tâm từ sớm để học sinh chọn “trúng” nghề.

“Thực tiễn dạy học chứng minh, hiện còn nhiều sinh viên và gia đình đưa ra lựa chọn nghề theo cảm tính hoặc tâm lý đám đông. Điều này dẫn đến thiếu động lực học tập, gây lãng phí tiền của, công sức”, TS Thịnh nói.

Ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk khẳng định, trong “kỷ nguyên vươn mình của đất nước”, cơ hội luôn kèm theo thách thức. Chọn ngành, chọn nghề phù hợp là yếu tố quan trọng để thành công trong tương lai.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-khong-phai-con-duong-duy-nhat-post719317.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/dai-hoc-khong-phai-con-duong-duy-nhat-post719317.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại học không phải con đường duy nhất...