Về chương trình đào tạo, TS Trần Bá Trình cho biết, năm nay trường có tuyển sinh ngành đào tạo mới là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc. Ngoài ra năm nay trường tuyển sinh 41 ngành đào tạo, trong đó chủ yếu là các ngành sư phạm truyền thống. Các chương trình đào tạo mới sẽ được phát triển theo hướng ngoài sư phạm để đáp ứng yêu cầu lao động của xã hội. Năm 2021 nhà trường cũng tuyển hai ngành mới là Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật và ngành Quản trị du lịch, lữ hành. Trong khối ngành sư phạm, ngành mới nhất là Sư phạm Công nghệ nhằm đón đầu nhu cầu về giáo viên dạy công nghệ trong giáo dục phổ thông. Trong ngành Sư phạm Công nghệ có một nhánh là Giáo dục STEM để chuẩn bị lực lượng giáo viên trong nhà trường.
TS Hoàng Thị Kim Huệ cho biết, chuẩn đầu ra của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là sinh viên có thể làm việc ở vị trí biên, phiên dịch ở các cơ quan như đại sứ quán, đơn vị dịch thuật, công chứng và các công việc khác.
Ngành “hot” trong trường sư phạm
TS Trần Bá Trình chia sẻ, các ngành trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội đều rất “hot”. Tất cả các ngành đào tạo trong trường đều được chăm chút rất kỹ lưỡng, định kỳ đổi mới chương trình. Mỗi khi đổi mới đều đánh giá việc dạy học, nhu cầu nghề nghiệp, biến động nhu cầu xã hội. Tuy nhiên có một số ngành nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh. Đó là các ngành sư phạm truyền thống như sư phạm Toán, sư phạm Ngữ văn và sư phạm Tiếng Anh. Đây là các môn học bắt buộc trong nhà trường. Số tiết học nhiều. Chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên môn này ở các trường công lập khá cao.
Nhóm ngành nữa nhận được quan tâm là các ngành giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học. Bên cạnh chất lượng đào tạo rất tốt của hai chuyên ngành này thì nhu cầu giáo viên mầm non và tiểu học ở các trường tư thục hiện nay là rất lớn. Ngoài ra các ngành cử nhân sư phạm dạy môn học bằng tiếng Anh như sư phạm Toán, sư phạm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học… Tại các trường quốc tế, trường tư thục, việc dạy một số môn học khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh là rất cần thiết. Đại học Sư phạm Hà Nội là trường tiên phong đào tạo giáo viên dạy môn học bằng tiếng Anh.
Theo khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý, Trường ĐHKHXH&NV cho thấy, có đến 65,4% sinh viên năm thứ nhất tại một số trường chưa hiểu mục đích, ý nghĩa của ngành mình học. 50,8% không biết là ngành mình học xong thì sẽ làm gì, nơi nào tuyển dụng. 75,6% sinh viên cho biết họ ít thỏa mãn với nghề đã chọn và học mới biết là không hợp. 32,4% sinh viên muốn thi lại vào năm sau.
TS Hoàng Thị Kim Huệ, Giảng viên Khoa Quản lí giáo dục, ĐH Sư phạm Hà Nội tư vấn, khi chọn được nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ gia tăng cảm giác hài lòng, đặc biệt là giúp chúng ta có thể phát triển và thành công trong nghề nghiệp. Mỗi kiểu tính cách phù hợp với một loại công việc, khi chọn ngành, nên cân nhắc kỹ để có quyết định phù hợp. Ngoài ra nên nhận biết năng lực của bản thân, thế mạnh của mình là gì để chọn được đúng ngành. Ví dụ môn Toán, môn Lý đòi hỏi tư duy toán học, logic tốt. Ngoài ra nên tìm hiểu xu hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai, định hướng nơi mình sẽ làm việc. Nghề “hot” chính là nghề có nhu cầu cao trong tương lai.
Ngoài ra, thầy Trình lưu ý các em về khả năng chuyển đổi. Học đại học các em sẽ được trang bị tri thức, kỹ năng nền tảng. Với tri thức đó, chúng ta có thể thích ứng được với hoàn cảnh nghề nghiệp khác nhau để chuyển đổi. Nhiều em khi mới vào học chưa phát hiện được đam mê, thông qua quá trình học thì lại phát hiện được tố chất của mình.
TS Bùi Thị Hà Giang, Phó bí thư Đoàn trường, ĐH Sư phạm Hà Nội tư vấn, đề hòa nhập nhanh nhất vào môi trường học tập, các em nên tham gia các hoạt động đoàn. Đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Hội Sinh viên trường có tổng cộng khoảng 14 câu lạc bộ đội, nhóm sẽ hỗ trợ các em về chuyên môn, tham gia các cuộc thi phát triển chuyên môn, sở thích, năng khiếu…
Buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp này nằm trong chuỗi chương trình Tư vấn tuyển sinh & Hướng nghiệp mang tên “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường” do Cổng Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI (huongnghiep.hocmai.vn) tổ chức miễn phí cho học sinh THPT.