Tư vấn chuyên sâu
Trường THCS Huỳnh Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã xây dựng kế hoạch tư vấn hướng nghiệp cho học sinh – phụ huynh khối lớp 9 trong tháng 4. Chương trình tư vấn sẽ do các trường đào tạo nghề trên địa bàn phối hợp tổ chức. Theo thầy Trương Công Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, đây là “vòng 1” của đợt hướng nghề cho học sinh lớp 9.
Trước khi học sinh đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào lớp 10, nhà trường sẽ tổ chức tư vấn kỹ cho phụ huynh và học sinh theo từng nhóm nhỏ chọn trường dựa trên phân tích kết quả học tập của học sinh. Vì vậy, gần như hồ sơ đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập của nhà trường không có sự điều chỉnh lớn. Bình quân mỗi năm, Trường THCS Trần Đại Nghĩa có khoảng 40 – 50 em không đăng ký dự thi vào lớp 10 mà chọn theo học nghề.
Sau khi có kết quả tuyển sinh lớp 10, UBND các phường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đều tổ chức buổi gặp mặt, đối thoại với phụ huynh những học sinh không đủ điểm vào các trường công lập. Tham gia buổi đối thoại còn có cả trường THCS nơi học sinh vừa tốt nghiệp. Thầy Sơn cho biết: Nội dung của buổi gặp, ngoài tìm hiểu hoàn cảnh, kinh tế gia đình, nguyện vọng muốn được tiếp tục đi học hay học nghề, còn mời các trường trung cấp, trường nghề tham gia tư vấn cho phụ huynh. Nếu điều kiện kinh tế gia đình gặp khó khăn, học sinh sẽ nhận được sự hỗ trợ từ phía trường nghề và cả địa phương trong quá trình theo học.
Anh Võ Văn Phụ (trú xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) kể: “Cách đây 4 năm, con trai tôi không đủ điểm vào lớp 10, gia đình định cho cháu theo học tại trung tâm giáo dục thường xuyên. Nhưng chưa làm hồ sơ thì bên trường dạy nghề về tận xã để vận động cháu theo học. Cha con tìm hiểu thì thấy học sửa chữa ô tô dễ kiếm việc làm hơn cả. Cháu cũng thích học nên tôi đồng ý luôn. Con vừa học xong lớp 9, cho đi học nghề cũng thấy thương. Nhưng trường có dạy hoàn thiện bổ túc văn hóa, học cũng nhẹ nhàng nên phù hợp với cháu”.
Ra trường, con trai của anh Phụ có ngay việc làm, thu nhập ban đầu cũng gần 10 triệu/tháng. “Tôi mừng lắm, con mình tiếp thu hạn chế, không theo học văn hóa được mà có công việc ổn định, chưa chắc một số cháu học đại học xong đã có được” – anh Phụ nói.