Cơ quan chức năng tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã cấp mới hơn 300 Giấy đăng ký hộ kinh doanh (HKD) liên quan đến dạy thêm.
Ngày 13/2, hàng chục người dân vẫn nhẫn nại chờ tại bộ phận một cửa thuộc UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để chờ đến lượt làm thủ tục đăng ký HKD về lĩnh vực Giáo dục.
Chị Tr.T.H. (SN 1991) trú tại phường Khánh Xuân cho biết, bản thân tốt nghiệp đại học sư phạm nhưng không xin được việc, nay đi đăng ký HKD để "hợp thức hóa" việc dạy thêm cho bản thân và chị gái.
"Tôi đăng ký HKD và địa điểm hoạt động tại xã Ea Kao để giúp chị gái (đang dạy THPT ở phường Khánh Xuân) dạy thêm đúng Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT. Nếu hoạt động ở phường thì sẽ có học sinh đang học ở trường tới học, lúc đó sẽ bị xử phạt rất nặng", chị H., chia sẻ.
Tương tự, anh N.N.Th. (SN 1987) trú tại phường Tân Lợi cũng đi đăng ký HKD để giúp em trai và 1 người bạn tổ chức dạy thêm: "Em trai tôi và bạn thân em đang dạy tại 1 trường THCS thuộc phường Tân An. Để tránh học sinh trong trường đến học, tôi đăng ký địa điểm tổ chức kinh doanh dạy thêm tại tổ dân phố 3, phường Tân Lợi", anh Th. nói.
Thực tế, tại bộ phận 1 cửa của các huyện, thị xã, thành phố của Đắk Lắk, những ngày gần đây, số lượng đến đăng ký HKD về lĩnh vực Giáo dục tăng đột biến.
Đơn cử, tại bộ 1 cửa thuộc Phòng Tài chính - Kế hoạch TP Buôn Ma Thuột, chỉ tính riêng sáng 13/2 có tới 94 người bốc số đăng ký, đến 11 giờ 30 đã tiếp nhận hơn 50 hồ sơ.
Theo cán bộ tiếp nhận hồ sơ, hơn 90% là đăng ký HKD về lĩnh vực Giáo dục.
Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Lê Đình Dương, Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính TP Buôn Ma Thuột cho biết, trước ngày Thông tư 29 có hiệu lực, số người đến xin Giấy phép đăng ký HKD tăng đột biến. Đơn vị phải huy động công chức làm ngày, làm đêm mới kịp tiến độ.
"Chỉ tính riêng từ tháng 12/2024 đến nay, đơn vị đã cấp phép hơn 300 Giấy chứng nhận đăng ký HKD về lĩnh vực Giáo dục khác chưa được phân vào đâu (Chi tiết: dạy thêm, học thêm). Số hồ sơ đã tiếp nhận đang trong thời hạn xử lý cũng gần 100 bộ, hầu hết thuộc lĩnh vực giáo dục", ông Dương nói.
Cũng theo lời ông Dương, Giấy chứng nhận đăng ký HKD chưa phải là "bảo bối" duy nhất: "Đối với những cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận, chúng tôi cho ký cam kết thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, hướng dẫn đến gặp cơ quan quản lý Giáo dục để đăng ký hoạt động nhằm tránh vi phạm quy định”.
Còn theo 1 cán bộ trực tiếp tiếp nhận, xử lý hồ sơ từ bộ phận 1 cửa, trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ số hồ sơ tiếp nhận hàng ngày chỉ từ 8 - 10 bộ thì sau Tết, số hồ sơ tiếp nhận tăng gấp 3 - 4 lần, thậm chí trong tuần này, số hồ sơ tăng gấp 5 - 6 lần.
"Chúng tôi rà soát chặt chẽ thông tin hồ sơ đăng ký phải có đủ bằng cấp tương ứng. Riêng cá nhân đăng ký mở trung tâm dạy thêm phải có hợp đồng với giáo viên và có thông báo của cơ quan chủ quản của giáo viên hợp đồng giảng dạy tại trung tâm", vị này nói.
Liên quan đến nội dung này, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã và thành phố tại Đắk Lắk đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện nghiêm quy định của Thông tư 29.